Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2:
“Nỗi đau của họ cũng như của mình...”
(Dân trí) - “Tôi luôn tâm niệm rằng bệnh nhân cũng như người nhà mình, nỗi đau của họ, thân xác của họ cũng như của mình...", Bác sĩ Nguyễn Trương Sơn, Phòng khám BVĐK huyện biên giới Tương Dương, Nghệ An tâm sự.
Ngoài việc vững chuyên môn nghiệp vụ thì y đức sẽ giúp người thầy thuốc làm tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bác sĩ Nguyễn Trương Sơn, Phòng khám BVĐK huyện biên giới Tương Dương, Nghệ An là một trong những tấm gương điển hình như thế. Chúng tôi gặp bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Phòng khám đa khoa Bệnh viện huyện Tương Dương, khi anh đang khám bệnh cho bệnh nhân. Điều dễ nhận thấy ở anh, một bác sỹ còn rất trẻ là sự ân cần, nhẹ nhàng thăm hỏi bệnh nhân. Là người thầy thuốc, anh luôn tâm niệm lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, " Thầy thuốc như mẹ hiền", nên ở mọi lúc, mọi nơi ân cần thăm hỏi, quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người dân luôn được anh đặt lên hàng đầu.
...Nhận thấy điều đó, trong tôi nuôi hoài bão sau này sẽ đi học và làm một bác sỹ để điều trị giúp đỡ cho bà con bản làng mình. Sau 7 năm học tại Trường y khoa Thái Nguyên tôi trở về công tác tại huyện nhà và đã dùng kiến thức được học tập của mình để giúp đỡ bệnh nhân, giúp họ thoát khỏi bệnh. Tôi luôn tâm niệm rằng bệnh nhân cũng như người nhà mình, nỗi đau của họ, thân xác của họ cũng như của mình".
Do đặc thù của bệnh viện tuyến huyện, chưa có điều kiện tách thành những chuyên khoa để điều trị riêng biệt, nên hằng ngày BS Sơn phải thăm khám và điều trị cho hơn 60 ca bệnh bao gồm cả bệnh nhân nội, ngoại, nhi, lây, tai mũi họng, răng hàm mặt, anh đã không quản giờ giấc, thăm khám cho bệnh nhân hết sức chu đáo. Có những ca cấp cứu vào lúc 1, 2 giờ sáng anh vẫn sẵn sàng thức trắng để cứu sống bệnh nhân.
Cứu sống được bệnh nhân, đem lại sức khỏe cho họ, đó là hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời của những người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Với bác sỹ Nguyễn Trường Sơn cũng vậy. Anh đau với nỗi đau của bệnh nhân, vui với niềm vui của họ. Anh khóc khi nhìn thấy bệnh nhân đau đớn, mỉm cười hạnh phúc khi họ đã hoàn toàn khỏe mạnh. Nhắc đến kỷ niệm về một ca bệnh hiểm nghèo, SB Sơn bồi hồi nhớ lại:
“Trong thời gian công tác tại huyện nhà có một kỷ niệm nhớ nhất là trong một đêm trực của tôi, một bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịch, 2 chi dưới đã tê liệt... Trong trường hợp bệnh nhân không kịp điều trị sẽ dẫn đến tử vong. Sau khi thăm khám tôi nhận định và tiến hành cấp cứu ngay, cả kíp trực áp dụng chuyên môn giải độc, thông tiểu và trợ tim, sau đó bệnh nhân tỉnh lại dần dần và được cứu sống”.