Nỗi buồn của bác sĩ pháp y

(Dân trí) - Trên danh nghĩa, Viện Pháp y Quốc gia là cơ quan giám định cao nhất của ngành pháp y Việt Nam nhưng trên thực tế đã xảy ra khá nhiều kết luận giám định nhầm lẫn. Tuy nhiên, vì sao lại có tình trạng như vậy thì không phải ai cũng biết.

Không có sinh viên theo học

 

Theo báo cáo của Viện Pháp Y Việt Nam; hiện trên cả nước chỉ có hai trường Đại học là Y Hà Nội và Y Dược Cần Thơ có bộ môn Pháp y. Ít cơ sở đào tạo là vậy nhưng trong vài năm qua bộ môn này gần như không có sinh viên chuyên khoa theo học. Kết quả là đội ngũ cán bộ đang làm việc rơi vào tình trạng thiếu về số lượng và chất lượng.

 

Hiện nay, giám định viên cho dù chuyên trách hay kiêm nhiệm thì tỷ lệ tuổi trẻ dưới 35 chỉ đạt 6%, không ít bác sỹ trong số này sau một thời gian công tác đã xin nghỉ việc hoặc chuyển đi nơi khác. 60% giám định viên tuổi trên 45 còn lại thì đang trong tình thế một vài năm tới sẽ nghỉ hưu nhưng chưa có người thay thế. Rất nhiều người trong số họ không dám kể với người thân về nghề nghiệp của mình. 

 

Thực trạng chuyên môn của giám định viên cũng đang đứng ở mức báo động. Chỉ có khoảng 20 % cán bộ giám định đang làm việc được đào tạo với thời gian  3 tháng tại Viện, 5 - 10 ngày tại địa phương trong điều kiện phương tiện làm học tập và làm việc vô cùng thiếu thốn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả giám định và đã có khá nhiều kết luận giám định sai dẫn đến oan sai trong phán quyết sai của tòa án.

 

“Ngành Pháp y Việt Nam thời điểm hiện tại đang tụt hậu vài chục năm so với các nước khác. Trước đây, đã có một số đoàn tham quan ở một số nước cũng sang thăm và đặt vấn đề hợp tác nhưng khi họ muốn đi thăm cơ sở của Viện pháp y quốc gia thì không có và thiếu thốn quá nhiều nên không tạo được sự hợp tác tiếp theo”, BS Theo BS Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp Y Việt Nam, cho biết.

 

Một cán bộ giám định viên cho biết; do cơ sở vật chất, trang thiết bị quá thiếu thốn nên công tác giám định hiện nay đang gặp rất khó khăn. Giám định tổn hại sức khỏe thì phải gửi nạn nhân đi xét nghiệm nhờ các tại bệnh viện tuyến TƯ. Khám nghiệm tử thi cũng phải đi mổ nhờ ở nhà đại thể các bệnh viện.

 

Đặc biệt, với các vụ giám định ở phía Nam, do bộ phận thường trực phải ở cơ sở của Viện Vệ sinh y tế công cộng, số cán bộ thường trực hiện chỉ có ba người trong khi số vụ việc cần giám định rất nhiều nên đành phải chờ các giám định viên ở Hà Nội vào giúp dẫn đến thời gian giám định kéo dài và hay xảy ra sai sót.

 

Mức bồi dưỡng 10 năm chưa thay đổi

 

“Năm 1996, với mức lương cơ bản là 120.000 nghìn đồng, bác sĩ Pháp y được hưởng 20 nghìn đồng tiền bồi dưỡng độc hại với mỗi trường hợp giám định. Nay lương cơ bản đã tăng lên 450.000 VNĐ nghĩa là tăng 3,77 lần nhưng khoản tiền bồi dưỡng này vẫn giữ ở mức cũ. Bên cạnh niềm suy tư vì chế độ ưu đãi nghề nghiệp chưa tương xứng, các giám định viên còn phải sống trong môi trường làm việc rất căng thẳng.

 

Theo điều tra, có tới 71,3%  gia đình giám định viên không đồng ý với công việc họ đang làm, 69% trong số bạn bè khuyên họ bỏ nghề. Quan trọng nhất là họ luôn phải chịu sức ép từ gia đình nạn nhân và cơ quan trưng cầu, phải thường xuyên mổ tử thi tại hiện trường, giữa tiếng kêu khóc, chửi rủa của gia đình nạn nhân. Không ít giám định viên, bị thân nhân gia đình nạn nhân tấn công, khi đang giám định. Còn pháp luật thì qui định: Giám định sai phải bồi thường có thể bị truy tố ”- BS Vũ Dương bức xúc.

 

Cũng theo BS Vũ Dương; thống kê trong 5 năm, thì đầu tư của Bộ Y tế năm cao nhất cũng chỉ được 85% so với nhu cầu, còn thường là dưới 50% so với nhu cầu. Chính vì vậy, dù rất muốn nâng cao thu nhập cho cán bộ giám định viên nhưng cũng đành chịu vì Viện không tìm được bất cứ nguồn tài chính nào ngoài nguồn ngân sách Nhà nước

 

Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, công tác giám định của Viện còn gặp khó khăn do hiện nay một số bệnh viện lớn không cho sao chụp hồ sơ bệnh án của bệnh nhân và chưa có bảng tỉ lệ tổn hại sức khỏe dành cho giám định pháp y, chưa có quy trình, quy chuẩn chuyên môn thống nhất.

 

“Không phải tất cả đội ngũ cán bộ chúng tôi đều đã nguội lòng yêu nghề, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mà không được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo thì buồn lắm”, BS Vũ Dương nói.

 

Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm