Nỗi ám ảnh thực phẩm Tết
Thịt lợn bơm nước, ôi thiu, thực phẩm hết hạn sử dụng, ngâm hoá chất, phẩm màu... đang là thực trạng nổi cộm được phát hiện vào những ngày cuối năm. Đây là điệp khúc “đến hẹn lại lên” đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa tìm ra được thuốc trị...
Mứt tết “thi gan” cùng bụi và ruồi
Dọc phố Hàng Buồm (Hà Nội), mặc xe cộ qua lại tấp nập, xe bồn đi rải nước rửa đường và lao công thi nhau quét rác, vô số loại mứt tết vẫn ngang nhiên bày bán ken đặc vỉa hè với muôn kiểu màu sắc rất bắt mắt. Mứt tết được bày trực tiếp vào các khay đủ màu như mứt khoai môn, nho, dâu tây, kiwi, me xào... “làm bạn” cùng ruồi nhặng và bụi bẩn, đặc biệt là không một loại mứt nào ghi rõ xuất xứ nguồn gốc.
Mứt tết không nguồn gốc phơi bụi trên vỉa hè phố Hàng Buồm (Hà Nội)
Với bàn tay móng đen sì cáu bẩn, bốc một nhúm mứt nho, bà chủ hàng mứt đầu phố hồ hởi mời chào: “Ăn thử đi cháu, nho khô nhập từ Mỹ xịn đấy, ngọt và thơm lắm! Có mấy loại liền tha hồ chọn, mua nhiều cô để rẻ cho!”. Người này còn giới thiệu các “đặc sản” cao cấp khác như mứt kiwi New Zealand, hồng đào Nhật... với giá trên trời (300.000 - 400.000đ/kg). Từng miếng mứt kiwi nhão nhoét xanh rì được khẳng định là nhập quả tươi từ New Zealand về đang chảy nước do không được che chắn.
Ngoài các loại mứt, nhiều thực phẩm khác như hạt điều, hạnh nhân, kẹo bánh các loại... cũng được bán theo kilôgram với từng túi to. Hạt điều ép chân không được mời chào là đặc sản miền Nam, song khi nhìn nhãn mác, ngoài cái tên Kim Thanh ra thì không một thông tin nào về nơi sản xuất, ngày sản xuất được in trên sản phẩm. Điều đáng nói là giá của các loại mứt tết, bánh kẹo không hề rẻ, dao động từ 200.000 - 500.000đ/kg tùy loại. Và dù không có thông tin về xuất xứ, không ít người tiêu dùng vẫn lựa chọn để mua với lý do là hàng hóa phong phú, dễ lựa chọn, được thử chất lượng tận nơi nên có phần... yên tâm.
Trong khi đó, tại các chợ Hàng Bè, Ngọc Hà..., phụ gia thực phẩm dùng làm nước lẩu, nướng, các loại gia vị bột ớt, hạt điều... vẫn được bày bán tràn lan để phục vụ nhu cầu làm thực phẩm tết. Chỉ với 10.000đ là có thể mua được gói gia vị “lẩu gà thuốc bắc” hoàn chỉnh mà theo một chủ hàng tạp hóa chợ Ngọc Hà là “nước ngọt lừ hết chê!”. Tất cả mọi thông tin xuất xứ trên các gói gia vị này đều mù mờ, có nơi không hề ghi địa chỉ sản xuất.
Còn tại TPHCM, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Đặng Văn Đức đã cho các cơ quan báo chí “mục sở thị” lô hàng mứt kém chất lượng khoảng 1 tấn không chứng từ đang chờ xử lý. Theo đó, các loại mứt như kiwi, táo đỏ, chà là... vẫn còn màu sắc đẹp mắt mới nhìn thoạt trông như mới với vỏ bên ngoài in toàn tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn các loại mứt này đều bốc ra mùi hôi.
Theo Chi cục Quản lý thị trường, nếu không phát hiện và tịch thu kịp thời, lô hàng hơn 1 tấn mứt trên sẽ được tẩm chất bảo quản và đưa ra ngoài thị trường để bán cho người tiêu dùng nhâm nhi trong dịp tết. Không chỉ các loại mứt, các loại củ kiệu, củ cải, dưa hành và cả thịt heo... đều được ngâm hóa chất bảo quản và tẩy trắng. Gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện trên 1,5 tấn đầu, mông, ức gà đông lạnh đã hết hạn sử dụng. Vụ việc trên đã được chuyển sang Chi cục Thú y TPHCM để xử lý.
Hãi hùng bún miến
Cống rãnh đen ngòm, mùi chua của tinh bột, miến phơi đầy đường và ngoài cánh đồng vào những ngày có nắng là đặc trưng của hai xã Dương Liễu, Minh Khai (huyện Hoài Đức - Hà Nội). Sản xuất miến dong là nghề chính ở hai xã này, nhưng trong miến có bao nhiêu phần trăm tinh bột củ dong lại phụ thuộc vào thương lái! Một người dân xã Dương Liễu (xin được giấu tên) cho hay: “Miến bình thường được làm bằng bột dong.
Từng phên miến bẩn được phơi cạnh rác và cống rãnh thối tại Dương Liễu. Ảnh: D.H
Muốn giảm giá thành cần trộn thêm bột sắn, tùy theo mức giá đặt của thương lái có thể trộn theo các tỉ lệ 20 - 30% hay 50%. Miến trộn bột sắn khi nấu dễ bị nát”. Ngoài cách pha trộn bột sắn, trộn phẩm màu cũng là “công nghệ” được áp dụng tại hai làng nghề làm miến này. Tùy theo khách đặt hàng, từ màu trắng đục của miến người sản xuất có thể hóa phép cho miến thành nhiều loại màu khác nhau: Vàng, vàng sẫm, ngả xanh, trắng tinh...
Sau khi nhuộm các loại phẩm màu được người sản xuất cam đoan là “phẩm màu thực phẩm”, miến được rửa trước khi phơi khô. Hộ nào chăm chỉ rửa vài lần cho sạch phẩm bám trên miến, ai làm ẩu thì chỉ tráng qua rồi cứ thế đem phơi. Cuộc đua giảm giá thành sản xuất đã khiến nhiều hộ gia đình ở Dương Liễu, Minh Khai tự tay phá hoại thương hiệu miến của hai làng nghề này.
Anh P.V.L ở xóm Minh Hòa 3, xã Minh Khai - hộ sản xuất miến xuất khẩu - phản ánh: “Nhiều hộ dân không muốn làm sản phẩm kém chất lượng nhưng do đơn đặt hàng yêu cầu giá phải rẻ nên tìm nhiều cách làm để hạ giá thành. Khoảng hai năm trở lại đây, số hộ làm miến kém chất lượng đã tăng nhanh, nguyên nhân đến từ sức ép của thương lái và sự dễ dãi của thị trường”. Theo anh L, miến dong có giá 32.000 - 34.000đ/kg xuất xưởng, nhưng nếu pha trộn, cắt bớt công đoạn, làm ẩu giá chỉ còn 27.000 - 28.000đ/kg, thậm chí thấp hơn.
Quản lý như “muối bỏ bể”
Liên tiếp các vụ thịt lợn, trâu, bò thiu thối, không rõ nguồn gốc được cơ quan chức năng phát hiện gần đây. Ảnh: D.H - V.T - Đ.T
Thời gian qua, 6 đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác ATVSTP trước Tết Nhâm Thìn của Hà Nội phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ buôn bán vận chuyển thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Mới nhất, vụ bắt 31 tấn thực phẩm thịt và nội tạng trâu, bò tại Bình Minh, Thanh Oai ngày 4/1/2012 đang phân hủy đã báo động về chất lượng ATVSTP.
Tại TPHCM, cơ quan chức năng cũng vừa phát hiện được hàng loạt vi phạm ATVSTP. Cụ thể, theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, ngày 9/1, qua kiểm tra tại một cơ sở sản xuất mứt hạt sen ở quận 6, cơ quan này đã phát hiện gần 4 tấn mứt trái cây nhập lậu từ Trung Quốc đang ở trong kho. Trước đó, cơ quan quản lý thị trường TP còn phát hiện và tịch thu trên một tấn mứt như chà là, trần bì, khoai lang, táo đỏ kém chất lượng cũng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng, lý do khiến công tác quản lý vẫn như “muối bỏ bể” là chế tài xử phạt các hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ còn thấp, không đủ sức răn đe, chi phí tiêu hủy cao hơn tiền nộp phạt. Trong khi đó mức phạt cao nhất hiện nay mới là 30 triệu đồng/vụ và chế tài xử phạt vẫn chưa đồng nhất, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi.
Làm thế nào để chọn được thực phẩm an toàn trong dịp tết, nhất là các loại mứt, hạt dưa?
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết: Đối với mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế loại có nhiều màu sắc tổng hợp; bao bì còn nguyên vẹn, bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Phải đọc kỹ nhãn hiệu bao bì, đặt niềm tin vào những nhà sản xuất có tên tuổi, uy tín trên thị trường để đánh giá; mua ở nơi tin cậy như siêu thị, đại lý, hàng quán quen biết... có kiểm soát chất lượng và vệ sinh.
Dùng các giác quan nhìn, ngửi, sờ, nếm... để phát hiện mứt có bị mốc thâm kim hay mốc xanh, mùi hôi, chảy nước, mùi chua hay không. Đối với hạt dưa, nên chọn loại hạt có màu đỏ nâu tự nhiên, không có màu đỏ hay hồng tươi cũng không bị cháy đen; không chọn loại có phết dầu lên vỏ bóng lưỡng; khi cầm cắn thì tay, môi, lưỡi không dính màu đỏ; hạt bên trong màu trắng ngà, có vị bùi béo đặc trưng. Nếu thấy hạt dưa có màu lạ, mùi hôi dầu hay hôi mốc, ăn thấy vị đắng khác lạ thì không nên dùng. |