Những "thủ phạm" khiến 26.000 bệnh nhân suy thận đối mặt cửa tử
(Dân trí) - Ngoài tình trạng bệnh lý, chế độ ăn uống thiếu khoa học đang trở thành nguyên nhân gia tăng căn bệnh suy thận. Ước tính, khoảng 26.000 người trên cả nước đang đối mặt với cửa tử vì suy thận giai đoạn cuối.
Thông tin trên được PGS.TS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Lọc máu TPHCM cho biết tại Lễ hưởng ứng ngày Thận học Quốc tế (tổ chức ngày 9/3 tại TPHCM). Theo đó, thận mạn tính là bệnh không lây nhưng có tỷ lệ mắc bệnh cao, bệnh diễn tiến âm thầm, khi có biểu hiện cụ thể thì đã ở giai đoạn nặng. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 10% dân số toàn cầu mắc phải căn bệnh này.
Còn theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) cho biết tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thận thế giới 2017 sáng nay (9/3), chỉ tính riêng năm 2016, tỷ lệ bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo do biến chứng đái tháo đường có liên quan đến thừa cân,béo phì đã lên tới 14%. Trước đó năm năm 2008 con số này chỉ vào khoảng 8%.
Suy thận mạn tính ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống nhưng chưa có giải pháp chữa khỏi, người bị bệnh phải được chăm sóc y tế suốt phần đời còn lại. Ước tính, đến nay trên cả nước có khoảng 26.000 người mắc bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối.
Người mắc bệnh nếu muốn kéo dài thời gian sống phải chạy thận nhân tạo, một số ít bệnh nhân có điều kiện kinh tế, có nguồn thận hiến tặng thực hiện được cuộc ghép nhưng cũng phải sống chung với thuốc chống thải ghép. Hầu hết bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ tử vong sớm vì không có điều kiện chữa trị, bởi chi phí cho mỗi tháng chạy thận tiêu tốn từ 5 đến 6 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm suy thận mãn, uống thuốc điều trị nội khoa đúng chỉ định duy trì được hàng 10 - 20 năm mới chuyển sang giai đoạn phải chạy thận. Với chạy thận, duy trì cuộc sống cũng rất lâu (Tại khoa Thận nhân tạo Bạch Mai, bệnh nhân lâu nhất đang chạy thận đã 21 năm)
Để duy trì cân nặng hợp lý cần hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa; Hạn chế ăn đường và muối; Tăng cường ăn rau và trái cây; Thường xuyên hoạt động thể lực, ít nhất 30 phút/ngày, đối với người trưởng thành.
Béo phì - Thủ phạm gián tiếp gây suy thận
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính năm 2014, toàn thế giới có khoảng 1,9 tỷ người trưởng thành bị thừa cân (tương được với 39% dân số), trong đó có 600 triệu người bị béo phì. Dự báo đến năm 2025, béo phì sẽ ảnh hường đến 18% nam giới và hơn 21% phụ nữ trên toàn thế giới. Trong khi đó, số người béo phì tăng gấp hai lần so với năm 1980.
Ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân béo phì cũng chiếm đến 25% dân số.
Đây cũng chính là lý do vì sao Ngày Thận thế giới năm nay (thứ năm, tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm) lại lấy chủ đề “Bệnh thận và béo phì”.
“Thừa cân béo phì liên quan trực tiếp đến đái tháo đường, tăng huyết áp và hậu quả là suy thận. Huyết áp cao và tiểu đường là nguyên nhân của 2/3 tổng số ca suy thận. Người thừa cân béo phì có nguy cơ suy thận mạn tính giai đoạn cuối cao gấp 2 - 7 lần người có cân nặng bình thường. Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số BMI càng lớn.
Vấn đề này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà trên thế giới, có quốc gia tỉ lệ bệnh nhân phải chạy thận bắt đầu từ nguyên nhân đái đường do béo phì chiếm đến 30 - 40%. Vì thế, khi ngăn ngừa được béo phì, tỉ lệ suy thận cũng giảm đi”, TS Dũng nói.
Dinh dưỡng và vận động thiếu khoa học
TS Dũng cũng khuyến cáo, mỗi người chỉ có hai quả thận nên hãy giữ gìn, chăm sóc nó. Khi có các yếu tố nguy cơ (như béo phì, cao huyết áp) cần phải đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ suy thận. Tại khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai, phần lớn bệnh nhân phải chạy thận là do tình cờ phát hiện khi đi khám vì bệnh lý khác, phát hiện suy thận độ 3B và phải chạy thận. Đáng nói, có nhiều bệnh nhân rất trẻ bị cao huyết áp, bệnh nhân tiểu đường biến chứng suy thận phải lọc máu.
Theo TS Dũng, để không bị thừa cân béo phì phải lưu ý đến 2 yếu tố là hoạt động và dinh dưỡng. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn để tiêu hao năng lượng dư thừa khi nạp vào cơ thể để không bị béo phì. Còn khi đã bị béo phì cần có kế hoạch giảm cân. Việc giảm cân không chỉ ngăn ngừa nguy cơ bị suy thận, mà còn phòng ngừa các bệnh lý khớp, tim mạch, ung thư…
Các chuyên gia khuyến cáo, ngoài những nguyên nhân bệnh lý như viêm cầu thận cấp, sỏi thận, hội chứng thận hư thì biến chứng của tiểu đường, cao huyết áp do chế độ ăn uống, vận động thiếu khoa học (ăn nhiều muối, nhiều chất béo, uống ít nước, lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu...) đang là nguyên nhân gia tăng bệnh suy thận.
Ngoài ra, việc sử dụng kéo dài một số thuốc cũng có thể gây độc cho thận như: thuốc kháng viêm không steroid; kháng sinh nhóm aminoglycoside; thuốc kháng lao; thuốc, hoá chất điều trị ung thư; thuốc cản quang...
Do đó, cần có chế độ ăn uống vận động khoa học, hợp lý, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá; nên đi khám bệnh định kỳ để sớm phát hiện và điều trị.
Việc điều trị bệnh thận nói riêng và các bệnh lý khác cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ lạm dụng thuốc gây ngộ độc cho thận.
Vân Sơn - Hồng Hải