Những thời điểm nên và không nên tập thể dục

(Dân trí) - Có những thời điểm tập thể dục sẽ giúp rèn luyện thể chất, cải thiện sức khỏe tâm thần, và tối đa hóa lượng calo bị đốt cháy. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm nên tránh những hoạt động này bởi vì chúng có thể gia tăng nguy cơ chấn thương và bệnh tật.

Dưới đây là những thời điểm nên và không nên tập thể dục mà chúng ta cần lưu ý:

 
Nên
 

Nên

 

1. Tập thể dục vào lúc chiều muộn: Nếu bạn đang tìm kiếm thời điểm “vàng” để tập thể dục thì hãy sẵn sàng vào khoảng thời gian từ 4 - 5 giờ chiều. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng ở thời điểm đó các cơ bắp linh hoạt hơn và sức mạnh ở đỉnh cao.

 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn cần phải bỏ bài tập Zumba vào thời điểm nghỉ trưa nếu bạn thấy bài tập đó có hiệu quả và phù hợp với mình, Jessica Matthews, nhà sinh lý học thể dục (Mỹ) chia sẻ. Song lần tới nếu bạn cân nhắc tìm một khóa học hay một môn thể thao để tăng cường độ dẻo dai cho cơ thể thì hãy lựa chọn thời điểm “vàng” này.

 

2. Tập thể dục vào buổi sáng: Theo kết quả một nghiên cứu nhỏ tiến hành với các bệnh nhân tại Bệnh viện Mollen (Mỹ) thì 75% những người tập thể dục buổi sáng duy trì thói quen này trong khi tỉ lệ chỉ là 25% ở những người tập thể dục buổi tối. Hơn thế nữa, tập thể dục buổi sáng nghĩa là “bạn sẽ bắt đầu một ngày mới của mình với việc đốt cháy nhiều chất béo, tăng cường năng lượng, và khởi động quá trình trao đổi chất của cơ thể”, Jenn Burke, Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao Crunch Gyms (Mỹ) chia sẻ.

 

Để tối đa hóa khả năng đối cháy chất béo của cơ thể vào buổi sáng, bà Burke cũng gợi ý chúng ta nên có một bữa ăn nhẹ với tỉ lệ protein/carb phù hợp, ví dụ như một ly trái cây đông lạnh với sữa chua Hy Lạp ngay sau khi tỉnh dậy.

 

3. Tập thể dục trong kỳ nguyệt san: Khi bạn cảm thấy khó chịu hay bị chuột rút thì theo bản năng, bạn thường muốn nằm cuộn tròn trên ghế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì endorphin, loại hoóc môn giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn được sản sinh trong quá trình tập luyện - có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm đau trong kỳ nguyệt san.

 

Trên thực tế, tiến sỹ Stacy Sims, nhà sinh lý học thể dục thể thao (Mỹ) cho biết đây thực sự là khoảng thời gian lý tưởng để tăng cường tốc độ khi tập với máy tập chạy hoặc thử sức với lớp học rèn luyện thể lực. Nghiên cứu của bà đã cho thấy sự thay đổi hoóc môn trong giai đoạn này có thể khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn và hồi phục nhanh hơn.

 

4. Tập thể dục giữa buổi làm việc: Khi bị sếp làm cho “điên đầu” hoặc gặp phải một rào cản tinh thần lớn, hãy đứng dậy khỏi bàn làm việc. Một chút thời gian dành cho thể dục giữa giờ làm không chỉ giúp bạn giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng mà còn có lợi cho công việc của bạn. “Nghiên cứu đã cho thấy tập thể dục giữa ngày giúp ích cho tinh thần, cải thiện khả năng quản lý thời gian, và năng suất làm việc”, bà Matthews chia sẻ.

 

Nếu bạn không thể sắp xếp cho một buổi tập thể dục giữa hai ca làm việc thì chỉ cần 10 phút đi bộ xung quanh tòa nhà nơi bạn làm việc cũng mang lại hiệu quả đáng kể, bà cho biết.

 

5. Tập thể dục sau một ngày dài làm việc: Nếu bạn đang cố gắng “nạp” năng lượng để sẵn sàng chuẩn bị bữa tối cho gia đình sau một ngày dài làm việc thì hãy cố gắng chống lại cám dỗ ngồi xả hơi trước màn hình tivi.

 

“Tập thể dục giúp ‘đánh thức’ cơ thể nhiều hơn là một giấc ngủ ngắn”, bà Burke chia sẻ. “Nó giúp máu và oxy lưu thông khắp cơ thể”. Để đạt được hiệu quả như mong muốn, theo gợi ý của bà Burke, bạn nên tập trong vòng 20 phút với những bài tập giúp đổ nhiều mồ hôi như chạy bộ hoặc aerobics.

 
Không nên

Không nên

 

1. Tập thể dục khi có các triệu chứng cúm: Tập thể dục khi bạn đang bị sốt, hoặc có các triệu chứng khó chịu  như ho khan, đau nhức khớp, khó chịu ở dạ dày là một ý tưởng khá tệ. Đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút nghiêm trọng. Chính vì thế, nếu tập thể dục trong giai đoạn này có thể khiến bạn bị mất nước và mất nhiều thời gian hồi phục hơn. “Cơ thể bạn cần nghỉ ngơi vài ngày”, bà Burke cho biết. “Ngủ nhiều hơn và uống nhiều nước sẽ giúp bạn nhanh chóng hồi phục”.

 

2. Tập thể dục khi cơ bắp đau nhức: Một chút đau nhức là dấu hiệu tốt vì nó cho thấy bạn đang rèn luyện cơ bắp và trở nên mạnh mẽ và dẻo dai hơn. Nhưng hãy lưu ý tới hiện tượng đau cơ trễ thường xuất hiện trong khoảng thời gian một đến hai ngày sau khi tập. Hiện tượng đau cơ trễ sẽ hạn chế phạm vi chuyển động của bạn, gây ra nhiều áp lực hơn cho gân và dây chằng, và do đó tăng nguy cơ bị chấn thương.

 

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa việc đau nhức bình thường và đau cơ trễ. Nếu là đau cơ trễ, bạn sẽ di chuyển rất khó khăn, ví dụ như phải lê bước thay vì đi bộ hoặc nhăn mặt khi nâng cánh tay lên. Trong trường hợp đó, hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi vài ngày và chườm đá lên những chỗ đau 3 lần mỗi ngày, mỗi lần từ 15 đến 20 phút.

 

3. Tập thể dục sau khi ăn no: Sau khi ăn no chúng ta thường muốn tập thể dục để đỡ nặng nề hơn. Tuy nhiên, theo bà Burke thì điều này hoàn toàn không nên. Đây là lúc mà cơ thể lưu thông máu đến những cơ quan cần máu nhất, và sẽ có một “cuộc chiến” giữa các cơ cũng với dạ dày. “Thông thường, cơ bắp sẽ chiến thắng cho nên hệ tiêu hóa sẽ đối mặt với khó khăn”, bà Burke chia sẻ. Và điều đó có thể dẫn đến tình trạng bị chuột rút, đầy hơi, hay tiêu chảy. Lời khuyên của bà Burke là chúng ta nên đợi 2 tiếng sau ăn mới nên tập thể dục.

 

4. Tập thể dục khi thời tiết quá nắng nóng: Tập thể dục khi khi thời tiết quá nắng nóng là điều hoàn toàn sai lầm. Tốt hơn hết, bạn nên kiểm tra nhiệt độ trong ngày, đặc biệt là tại thời điểm muốn tập thể dục trước.  Nếu nhiệt độ ở mức 33 độ trở lên thì đừng ra ngoài vội. “Nếu không, bạn có nguy cơ bị chuột rút, kiệt sức do nhiệt, và thậm chí là sốc nhiệt”. Trong những ngày nhiệt độ quá cao, bạn nên tập thể dục lúc bình minh hoặc hoàng hôn - những thời điểm nhiệt độ thấp nhất; và cần giữ cho cơ thể đủ nước. Nếu bạn thích chạy bộ thì chỉ nên chạy từ 10 đến 15 phút.

 

Anh Khôi

Theo WD