1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít "sóng gió"

(Dân trí) - Năm 2019 sắp qua đi, với nhiều dấu ấn thành tựu y tế nhưng cũng không ít “sóng gió” vì những tai biến y khoa. Cùng Dân trí nhìn lại những vấn đề, sự kiện nổi bật trong lĩnh vực sức khỏe năm qua.

1. Bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân để “không ai bị bỏ lại phía sau”

Để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế đã thực hiện chính sách y tế toàn cầu và hội nhập y tế của Việt Nam là thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một nguyên tắc cốt lõi của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó mọi người dân - bất kể họ là ai, sống ở đâu, hoặc có điều kiện kinh tế hay không - đều có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần.

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít sóng gió - 1

Để thực hiện nguyên tắc này, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để đảm bảo mọi người dân đều có thể được hưởng lợi từ các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Ngân sách nhà nước chi trả cho các dịch vụ dự phòng và bao phủ 100% các đối tượng thuộc các chương trình y tế, trong khi chương trình bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh và đến nay đã bao phủ được 88% dân số.

Để đảm bảo những đối tượng  dễ bị tổn thương có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không gặp khó khăn về tài chính, Chính phủ đã hỗ trợ 100% phí bảo hiểm y tế cho tất cả người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và người già từ 85 tuổi trở lên; trợ cấp 70% phí bảo hiểm y tế cho người cận nghèo; đầu tư hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ CSSKBĐ tốt hơn cho người dân...

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng trên cơ sở chuyển hướng từ các dịch vụ chăm sóc dựa vào bệnh viện và chữa bệnh sang chú trọng vào dịch vụ chăm sóc dựa vào cộng đồng và phòng bệnh như Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018.

Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2030, Chương trình Sức khỏe Việt Nam tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là nâng cao sức khỏe, bao gồm các nội dung bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động; nhóm thứ hai, bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh gồm chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh, phòng chống tác hại thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và nhóm thứ 3 là chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật, phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm, chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe người lao động.

2. Ban hành luật Phòng chống tác hại của rượu, bia

Quốc hội thông qua luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vào cuối tháng 6 vừa rồi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Để đưa ra được luật trình Quốc hội, Bộ Y tế đã mất 7 năm chuẩn bị.

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít sóng gió - 2

Theo đó, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (bao gồm cả ôtô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người. Như vậy, luật không chỉ cấm điều khiển ôtô khi có nồng độ cồn theo quy định cũ,

Ngoài ra, luật cũng nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, học sinh, sinh viên... không được uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Luật cũng nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Đối với rượu, bia độ cồn dưới 5,5 độ, luật cấm quảng cáo có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích tiêu dùng.

3. Thêm một vắc xin 5 trong 1 mới được đưa vào tiêm chủng mở rộng

Ngày 25/5, Bộ Y tế chính thức đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng thêm một loại vắc xin 5 trong 1, sử dụng song song với vắc xin ComBe Five.

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít sóng gió - 3
Tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib do SII sản xuất tại Trạm Y tế Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam sáng 25/5/2019.

Vắc xin DPT-VGB-Hib do Viện huyết thanh Ấn độ (SII) sản xuất với thành phần, lịch tiêm chủng và hiệu quả phòng bệnh tương đương như vắc xin ComBE Five, đã được cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 9 năm 2018.

Vắc xin 5 trong 1 do SII sản xuất đã được cấp phép lưu hành và sử dụng tại Ấn Độ từ năm 2010, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010. Đến nay, vắc xin đã được sử dụng trên 600 triệu liều tại 79 quốc gia, trong đó có Ấn Độ.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho phép cung ứng đồng thời 2 loại vắc xin 5 trong 1 trong chương trình Tiêm chủng mở rộng là vắc xin ComBE Five và vắc xin DPT-VGB-Hib do SII sản xuất.

4. Một năm thành công với kỷ lục hiến - ghép tạng

Năm 2019 ghi dấu ấn bởi những câu chuyện cho đi là còn mãi. Mỗi một trường hợp hiến tạng sau khi chết não với những câu chuyện nhân văn sau đó khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt. Nhiều người ngày càng có cái nhìn cởi mở hơn về hiến tạng, sẵn sàng đăng kí hiến tạng sau khi qua đời.

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít sóng gió - 4

Trong đó, một kỉ lục đã được xác lập, khi chỉ trong 1 tuần bác sĩ Việt Nam thực hiện 15 ca ghép tạng.

Từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, từ nguồn tạng hiến được tiếp nhận từ 2 trường hợp chết não sau tai nạn, đều là những người còn rất trẻ ở Hải Dương, Thanh Hoá, các chuyên gia của bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công 15 ca ghép tạng chỉ trong vòng 1 tuần.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV, nguồn tạng hiến từ người cho chết não luôn rất quý báu để cứu sinh mạng những người bệnh khác.

Các bác sĩ mong muốn sẽ có thêm nhiều người dân, xã hội biết nhiều hơn đến những trường hợp với nghĩa cử cao đẹp đã hiến tạng để cứu sống những người bệnh khác. Vì “Cứu một người còn hơn xây 9 tòa tháp”, nếu không may mất đi, trái tim, lá gan, thận của mình để lại sẽ mang lại cuộc sống cho những người bệnh khác. Tại Việt Nam, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới.

5. Năm đầu tiên có 3 giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Y – Dược

Tại buổi lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt diễn ra vào tối 15/11 , có 3 công trình/cụm công trình đã được vinh danh trong lĩnh vực Y dược. Trong đó gồm hai giải nhất và một giải nhì.

Công trình nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong phẫu thuật tim hở tại Việt Nam của GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch và Cụm công trình nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh ổ bụng GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện cùng đạt giải Nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực Y Dược 2019.

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít sóng gió - 5
Hai công trình nghiên cứu của các tác giả Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Đức đạt giải Nhất Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Y Dược 2019.

Thay vì cưa mở toàn bộ xương ức của bệnh trong phương pháp mổ tim kinh điển, các bác sĩ sẽ mổ nội soi, sử dụng đường mở ngực 4-6 cm, nếu nội soi toàn bộ thì đường mổ chỉ còn 1,5 cm.

Tương tự với công trình nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã đưa ra 7 quy trình ứng dụng về phẫu thuật nội soi trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý ổ bụng như tạo hình thực quản bằng ống dạ dày trong điều trị ung thư thực quản; nội soi 1 lỗ cắt ruột thừa; nội soi qua đường âm đạo cắt ruột thừa…

Ngoài ra, công trình khoa học nghiên cứu phẫu thuật u nền sọ trước qua nội soi của khoa Tai Mũi Họng thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại diện nhóm tác giả là TS.BS Ngô Văn Công đã đoạt giải nhì trong lĩnh vực Y dược của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019. Nhằm giải quyết triệt để khối u cho người bệnh, trên cơ sở kết hợp các phương pháp phẫu thuật đơn lẻ, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp thực hiện 3 giải pháp trong cùng một cuộc nội soi thay vì hai cuộc đại phẫu như trước. 

6. Cảm động rơi nước mắt hành trình người mẹ ung thư giai đoạn cuối sinh con

Khoảnh khắc người mẹ với cái đầu trọc, yếu ớt trong tư thế mổ đẻ ngồi hẳn ám ảnh nhiều người bởi tình mẫu tử vượt qua cả nỗi sợ hãi về cái chết, để chị Nguyễn Thị Liên sinh được cậu con trai Bình An.

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít sóng gió - 6

Ca mổ chiều 22/5/2019 là ca mổ đặc biệt nhất tại BV K trong năm. Các bác sĩ không mổ điều trị cho một ca ung thư, mà mổ lấy thai cho sản phụ 28 tuổi bị ung thư vú giai đoạn cuối đã di căn.

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít sóng gió - 7

Ở tư thế mổ ngồi trên bàn mổ, sản phụ đầu trọc lóc, thở oxy vẫn cố thều thào hỏi bác sĩ, “Con em có khoẻ mạnh không”? “Con em được bao nhiêu cân”? Sau ca mổ, những bước chân rầm rập của ekip mổ chạy dọc hành lang dài đưa em bé sinh non 31 tuần tuổi lên xe cấp cứu đưa thẳng đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, còn người mẹ bước vào giai đoạn hồi sức đặc biệt vì đã ung thư vú giai đoạn cuối.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ đây là ca mổ đẻ đặc biệt nhất ông từng thực hiện. Sản phụ thay vì nằm mổ thì phải duy trì tư thế "nửa nằm nửa ngồi" vì tình trạng bệnh diễn biến nặng. 

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, sản phụ Liên được phát hiện ung thư vú khi đang mang thai được 4 tháng. Khi bác sĩ phân tích nếu giữ thai nguy cơ cho cả mẹ, cả con, nhưng cả hai vợ chồng đều quyết giữ con. "Cô ấy khao khát giữ con, cố gắng cầm cự để giữ con được thêm ngày nào hay ngày đó", chồng bệnh nhân chia sẻ.

Hai mẹ con chị Liên đã trải qua những giây phút sinh – tử, hai mẹ con nằm hai viện, con được điều trị tại BV Phụ sản Trung ương, mẹ chiến đấu với bệnh trọng tại BV K với nhiều lần chết đi sống lại. Nhưng nhờ nghị lực của người bệnh, nỗ lực hết mình của các y, bác sĩ, tháng 7/1019 mẹ con Bình An được xuất viện về nhà trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình cũng như các y bác sĩ. Bình An đang lớn lên từng ngày, chị Liên cũng đỏ da thắm thịt nhờ kiểm soát tốt căn bệnh ung thư.

7. Hàng nghìn test nhanh HIV, viêm gan B nghi bị cắt đôi

Sự việc này gây xôn xao dư luận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). 3 cán bộ y tế bị đình chỉ, Bệnh viện lên tiếng xin lỗi vì để xảy ra sai sót này. Thanh tra Sở Y tế vào cuộc, Bộ Y tế cũng ra văn bản chấn chỉnh hoạt động xét nghiệm.

Mọi việc bắt đầu từ phóng sự điều tra của VTV24 về việc hàng ngàn que thử HIV, Viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội bị cắt đôi trước khi được xét nghiệm. Ngoài ra, hàng trăm bệnh nhân bị trộn chung mẫu máu trong quy trình xét nghiệm HIV bán tự động cũng rất nguy hiểm. Thay vì mỗi mẫu máu được xét nghiệm riêng biệt, kỹ thuật viên khoa Vi sinh (Bệnh viện Xanh Pôn) đã trộn 4 mẫu máu trong một giếng chứa hóa chất.

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít sóng gió - 8

Sự việc khiến nhiều người dân thậm giới bác sĩ không khỏi sửng sốt. Theo giới chuyên môn, cách xét nghiệm này có thể bỏ sót nhiều trường hợp đã mắc bệnh trong khi kết quả trả lại là âm tính.

Bệnh viện Xanh Pôn đã họp khẩn, đình chỉ 3 cán bộ liên quan. Giám đốc Bệnh viện lý giải việc cắt đôi test này chỉ là “thử nghiệm” và chỉ có khoảng 40 test.

Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra làm rõ sự việc trên.

8. Liên tiếp các vụ tai biến sản khoa liên quan

Trong vòng gần một tháng, 3 sản phụ vào Bệnh viện Phụ TP Đà Nẵng sinh mổ. Sau khi được gây tê tủy sống để mổ lấy thai nhi, các sản phụ có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh.

Mặc dù được chuyển viện cấp cứu song 2 sản phụ đã tử vong, một người may mắn qua khỏi, đã xuất viện.

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít sóng gió - 9

Các sản phụ gặp tai biến sau khi được sử dụng thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngành y tế cùng lực lượng chức năng đã tiến hành vào cuộc điều tra. Nhiều bệnh viện tạm dừng loại thuốc gây tê nghi ngờ gây tai biến này. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tiến hành đánh giá chất lượng của lô thuốc.

Sau đó, hội đồng chuyên môn kết luận cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine với chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc gây tê và tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê.

Kết quả kiểm nghiệm thuốc ngày 9/12 của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương về mẫu thuốc Bupivacaine (49Gt 115 và 49Gt 116) cũng cho kết quả đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở.

9. Rúng động hàng loạt ca tai biến thẩm mỹ

Năm 2019, những thông tin về các ca tai biến thẩm mỹ khiến nhiều người rùng mình, lo ngại trước thực trạng các cơ sở thẩm mỹ mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa. Không ít cơ sở thẩm mỹ liều lĩnh thực hiện những thủ thuật không được phép, gây tai biến nặng nề cho người bệnh.

Trong đó, ở phía Bắc, các ca tai biến do tiêm filler nổi lên nhiều nhất, trong đó nghiêm trọng nhất là trường hợp cô bé 13 tuổi mù một mắt sau khi trốn mẹ đi tiêm filler nâng mũi tại một spa ở địa phương.

Những sự kiện y tế nổi bật năm 2019: Nhiều thành tựu nhưng không ít sóng gió - 10

Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS nơi xảy ra một trường hợp tử vong sau nâng ngực.

Tại TP Hồ Chí Minh năm qua xảy ra liên tục các ca tai biến thẩm mỹ. Liên quan tới chất làm đầy, 3 trường hợp liên tiếp đã bị mất thị lực do tiêm filler nâng mũi.

Tai biến nghiêm trọng nhất liên quan đến thẩm mỹ là 3 trường hợp tử vong sau căng da mặt, nâng ngực và xăm chân mày tại các bệnh viện thẩm mỹ ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra thêm một trường hợp ngừng tim sau vài phút tiêm thuốc tiền mê, may mắn được cấp cứu kịp thời.

Tại Hà Nội, chiều 27/12, một nam trung niên tử vong khi đi hút mỡ bụng tại cơ sở thẩm mỹ viện tư nhân.

Trước tình trạng nhiều vụ tai biến phẫu thuật thẩm mỹ liên tiếp xảy ra, các cơ quan ban ngành tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động dịch vụ thẩm mỹ, xử lý nghiêm các vi phạm.

Chuyên mục Sức khỏe

Báo điện tử Dân trí