1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nam thanh niên 20 tuổi hiến toàn bộ nội tạng, cứu sống nhiều người bệnh

(Dân trí) - Nam thanh niên 20 tuổi ở Kim Thành, Hải Dương không may bị tai nạn giao thông, chết não. Nguồn tạng hiến của nam thanh niên đã cứu sống nhiều người bệnh.

Kỉ lục ghép tạng, trong 1 tuần bác sĩ Việt Nam thực hiện 15 ca

Ngày 19/8, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết kỉ lục lần đầu tiên trong lĩnh vực ghép tạng, từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, các chuyên gia của bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công 15 ca ghép tạng chỉ trong vòng 1 tuần.

Nam thanh niên 20 tuổi hiến toàn bộ nội tạng, cứu sống nhiều người bệnh - 1

Đến nay, tất cả các trường hợp nhận tạng đều tiến triển tốt. Đặc biệt ca ghép phổi thứ 2 từ người cho chết não được thực hiện tại bệnh viện Việt Đức tiến triển rất tốt.

Nguồn tạng hiến được tiếp nhận từ 2 trường hợp chết não sau tai nạn, đều là những người còn rất trẻ ở Hải Dương, Thanh Hoá. Trong đó, trường hợp chết não ở Hải Dương đã hiến tim, 2 phổi, 1 gan, 2 thận. Người cho chết não còn lại đã tiến tặng lá gan và 2 thận.

Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận nguồn tạng hiến gồm 1 quả tim, 1 lá gan được chuyển ra từ Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Các bác sĩ đã làm việc hết tốc lực, thực hiện tổng 10 ca ghép tạng từ nguồn tạng hiến người chết não và 4 ca ghép thận theo kế hoạch, 1 ca ghép gan từ người cho sống”, GS Giang cho biết.

Đặc biệt, ca ghép phổi lần thứ 2 với nguồn hiến từ người cho chết não đang tiến triển rất tốt.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết, ca mổ lấy - ghép hai phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4 giờ chiều 12/8 tới 6 giờ 30 phút ngày 13/8. Người nhận phổi là ông N.V.K. 38 tuổi, mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối - có chỉ định ghép phổi tuyệt đối. Bệnh khởi phát từ khi bệnh nhân còn nhỏ, 10 năm nay diễn biến nặng, gần đây liên tục nằm viện với máy thở và ô xy hỗ trợ. Nếu không được ghép phổi, sự sống bệnh nhân tính hàng ngày.

"Ghép hai phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng. Với ca thứ 2 thành công, cho thấy các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ kĩ thuật khó", PGS Ước nói.

Với bệnh nhân này, sau mổ 6 giờ bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ, và máy hỗ trợ phổi (ECMO) được dừng và rút sau mổ hơn 2 ngày. Kết quả kiểm tra chất lượng phổi ghép bằng xét nghiệm khí máu, soi phế quản, siêu âm mạch phổi, cấy vi trùng đường thở, đều cho kết quả tốt. Chức năng tim và thận của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường. Như vậy tiến triển sau ghép của bệnh nhân là thuận lợi và hy vọng có thể tự thở hoàn toàn trong một vài ngày tới.

“So với ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên thực hiện tại bệnh viện trước đó 8 tháng, ca này tiến triển tốt hơn”, PGS Ước chia sẻ.

Nói về trường hợp đầu tiên được ghép phổi trước đó 8 tháng, GS Giang cho biết đây là một ca nặng thập tử nhất sinh. Trước khi quyết định ghép cho nam thanh niên này, các bác sĩ đã tham vấn ý kiến của chuyên gia Đài Loan về ghép tạng, các bác sĩ Đài Loan cũng “lắc đầu” với ca bệnh khó.

Đến nay, trải qua quá trình hồi sức dài đến 8 tháng, các bác sĩ ví đây như một "cuộc chiến âm thầm" để cứu người bệnh. Không một ngày nào bệnh nhân không được chăm sóc đặc biệt. Đến đi công tác, các bác sĩ cũng chăm chăm điện thoại để nghe báo cáo về người bệnh.

Trải qua 8 tháng hồi sức, đến nay, phổi ghép của bệnh nhân hoạt động tốt và bệnh nhân tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng hô hấp và điều chỉnh các rối loạn thường gặp sau ghép phổi.

“Thể trạng bệnh nhân được cải thiện do các tạng suy đã được ổn định. "Thời điểm ghép phổi có 10 tạng suy, giờ đã có 8-9 tạng tốt lên rất nhiều, chức năng tim, gan, thận tốt lên thấy rõ, hiện chỉ còn 1-2 tạng đang dần hồi phục", PGS Ước thông tin. 

Mong nhiều hơn nữa nghĩa cử hiến tạng

GS Giang thông tin thêm, nguồn tạng hiến từ người cho chết não luôn rất quý báu để cứu sinh mạng những người bệnh khác.

Trong tuần qua, từ 3 người cho chết não (2 tại bệnh viện Việt Đức và 1 ca tại BV Chợ Rẫy, đã có 10 người bệnh suy tạng được cứu sống, trong đó có 2 trường hợp ghép tim.

Nam thanh niên 20 tuổi hiến toàn bộ nội tạng, cứu sống nhiều người bệnh - 2

Một bệnh nhân tỉnh táo sau ca ghép tạng.

"Con số người được cứu sống lẽ ra đã tăng nhiều hơn, khi một trường hợp chết não khác, cả gia đình đều đồng ý hiến tạng nhưng người chồng mong muốn vợ mình được sinh ra như thế nào, khi mất sẽ như vậy. Quyết định của gia đình là cuối cùng, cơ hội dành cho những bệnh nhân khác cũng đóng lại", GS giang nói.

Các bác sĩ mong muốn sẽ có thêm nhiều người dân, xã hội biết nhiều hơn đến những trường hợp với nghĩa cử cao đẹp đã hiến tạng để cứu sống những người bệnh khác. Chúng tôi chỉ muốn chuyển tải một thông điệp: “Cứu một người còn hơn xây 9 tòa tháp”, nếu không may mất đi, trái tim, lá gan, thận của mình để lại sẽ mang lại cuộc sống cho những người bệnh khác", GS Giang chia sẻ.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Ví như chi phí ghép thận, ở các nước cùng khu vực bệnh nhân sẽ mất khoảng 35.000 USD, còn tại bệnh viện Việt Đức người bệnh chỉ nộp từ 200 - 230 triệu. Còn ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí chỉ hết 500 triệu, trong khi chi phí này ở các nước trên thế giới là từ 1- 1,5 tỷ đồng. 

"Chi phí rẻ, ngày càng nhiều tấm lòng sẵn sàng hiến tạng nếu không may mất đi, bác sĩ Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng, chúng tôi hi vọng những danh sách dài dằng dặc chờ đợi được ghép tạng sẽ dần được rút ngắn, sẽ không có những người bệnh chờ mỏi mòn đến khi nhắm mắt vì không có nguồn tạng hiến, trong khi tỉ lệ bệnh nhân sau tai nạn chết não rất nhiều.

Ngay tại BV Việt Đức, mỗi ngày có 4 - 5 ca, dù các bác sĩ nỗ lực hết sức nhưng não của người bệnh không còn hoạt động. Chúng tôi, xã hội cũng luôn ghi ơn cho những gia đình vì lòng nhân ái đã hiến một phần thân xác cho y học, đã cứu được những người bệnh có được cuộc sống tốt đẹp hơn", GS Quyết nói.

Hồng Hải