Những sai lầm dinh dưỡng kinh điển khiến gan nhiễm mỡ thêm nặng
(Dân trí) - Bị gan nhiễm mỡ, nhiều người bệnh hốt hoảng loại bỏ hoàn toàn khỏi thực đơn các loại mỡ, chất đạm động vật, thay vào đó là ăn chay; hay thay thế rượu mạnh bằng bia, rượu vang. Những biện pháp kiêng khem này có ngăn ngừa gan nhiễm mỡ tiến triển nặng hiệu quả?
Theo TS Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), do việc điều trị ban đầu luôn ưu tiên điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động thể lực (nếu không hiệu quả mới can thiệp bằng thuốc) nên việc lựa chọn hình thức kiêng khem nào rất quan trọng và cần hiểu rõ căn nguyên gây ra gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ gặp nhiều nhất là do sử dụng nhiều rượu bia, có đến một nửa bệnh nhân đến khám vì gan nhiễm mỡ có nguyên nhân từ đồ uống này. Ngoài ra, là các nguyên nhân khác như gan bị tổn thương do bệnh lý vi rút (như viêm gan C, B), rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, béo phì.
Vì thế, chỉ tuân thủ 1 chế độ kiêng khem nhằm giảm gan nhiễm mỡ là chưa đủ. Đó là lý do vì sao trong thực tế, nhiều người bệnh gan nhiễm mỡ mắc sai lầm dưới đây:
Uống bia, rượu vang thay rượu
TS Khanh cho biết, với người bị gan nhiễm mỡ do rượu, việc đầu tiên là phải dừng rượu. Thế nhưng nhiều người bệnh “lý sự”, họ bỏ rượu, chuyển sang uống bia và rượu vang, vì nồng độ cồn thấp.
“Đây là sự chủ quan, sai lầm của rất nhiều bệnh nhân gan nhiễm mỡ. Thay vì uống khoảng 200ml rượu mạnh 40 - 50 độ, nhiều người chuyển sang uống hết chai vang khoảng 600ml. Nhưng với độ cồn là 12 thì họ đã nạp vào cơ thể gần tương đương với lượng cồn trong rượu mạnh.
Tương tự, nhiều người bỏ rượu sang "kết bạn" với bia vì nồng độ cồn thấp (khoảng 5% độ cồn). Thế nhưng không ai uống 1 cốc bia. Và nếu uống 2 - 3 lít bia trong 1 bữa nhậu thì lượng cồn cũng tương đương họ uống 200ml rượu mạnh 50 độ”, TS Khanh tính toán.
Rồi nhiều người cho rằng, bị xơ gan, viêm gan vì trước đó uống rượu thủ công, nay chuyển sang rượu ngoại, rượi "xịn" nhưng thực tế, dù rượu "xịn"hay rượu tự nấu, hàm lượng cồn ethanol vẫn chuyển hóa gây hại gan.
TS Khanh cho biết, tại khoa Tiêu hóa hầu như ngày nào có cũng 5-7 người vào viện vào vì biến chứng xơ gan do rượu dù ban đầu họ chỉ bị gan nhiễm mỡ.
Kiêng hoàn toàn đồ đạm, béo
Khi được chẩn đoán gan nhiễm mỡ vì béo phì, rối loạn chuyển hóa, nhiều người vội vàng bước vào chế độ ăn kiêng ngặt nghèo, loại bỏ hoàn toàn đạm động vật, chất béo ra khỏi thực đơn, chỉ ăn chay.
Thực tế, về mặt khoa học, ăn chay hay không không quan trọng, vấn đề là khẩu phần và năng lượng. Vì nếu gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa, thừa năng lượng thì phải kiểm soát để năng lượng tiêu hóa lớn hơn so với năng lượng nạp vào.
“Nhưng nếu ăn chay không kiểm soát, ăn thoải mái, dù giảm được lượng protein, cholesterol động vật nhưng năng lượng nạp vào từ cơm lớn thì cơ thể vẫn tự tổng hợp, tích tụ mỡ khiến gan nhiễm mỡ. Hay người ăn chay nhưng vẫn uống rượu bia mà không biết 1 gram rượu ethanol nạp vào cơ thể sẽ tương đương 7kcal”, TS Khanh nói.
Chỉ ăn rau xanh
Lại có những người, để cấp tốc giảm cân, giảm gan nhiễm mỡ liền lên kế hoạch thắt chặt "đầu vào" bằng 3 bữa rau mỗi ngày.
“Điều này là tuyệt đối không nên. Bởi trong rau chỉ có các vitamin nhưng rất ít năng lượng, thành phần các chất không cân đối sẽ biến cơ thể đang từ trạng thái dư thừa năng lượng thành thiếu năng lượng trầm trọng khiến cơ thể không thích nghi được, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.
Bởi khi cơ thể thiếu năng lượng đột ngột sẽ bị suy giảm miễn dịch nhanh chóng. Do cơ thể khi muốn khỏe mạnh cần có đội quân miễn dịch. Đội quân này được nuôi dưỡng bằng protein nên khi không được nạp chúng trở nên suy yếu khiến dễ đổ bệnh. Về khoa học, có thể ăn chay nhưng tuyệt đối không chỉ ăn chay nguyên bằng rau.
Nguồn dinh dưỡng hợp lý
1 ngày cơ thể cần: Tinh bột 65%, protein 15%, chất béo 20% năng lượng cơ thể.
Ngoài ra cần chú ý phân bổ lượng thức ăn, sáng sẽ là bữa quan trọng nhất (ít nhất phải đạt 1/3 khẩu phần của cả ngày), sau đó là trưa, tối cần giảm đi.
“Nhưng nếu tính như vậy rất khó, người bệnh không xác định được ăn bao nhiêu thực phẩm cho phù hợp. Mọi người có thể tra bảng giá trị dinh dưỡng của thực phẩm để lên thực đơn hợp lý.
Như 100 gram thịt lợn nạc thăn cho 20 gram protein, mỗi 1 gram protein bằng 4kcal. Như vậy 100 gram thịt lợn thăn cung cấp 80 kcal từ đạm.
Cũng 100 gram thịt lợn thăn này cung cấp 6 – 8 gram lipit (1 gram lipit là 4 kcal), 6 gram chất béo ( 1 gram chất béo là 9kcal).
Từ đó, tính ra năng lượng tổng của 100gram thịt này là khoảng 150kcal”, TS Khanh giải thích.
Hồng Hải