Những “phương thuốc” chống mệt mỏi ngày rét
(Dân trí) - Bận rộn cuối năm, thời tiết rét buốt khiến bạn thấy mệt mỏi và căng thẳng. Hy vọng những cách dưới đây sẽ giúp bạn xua tan mệt mỏi và duy trì tâm trạng tích cực chờ “Tết đến, Xuân về”.
1. Vi chất sắt và ánh nắng mặt trời
Thời tiết lạnh lẽo, u ám khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, mất hết hăng say trong công việc, hơn thế bạn còn bị đau nhức mình mẩy, chóng mặt và bị rụng tóc. Bạn bi quan hơn bao giờ hết!
Giải pháp:
- Bổ sung vi chất sắt từ các nguồn thực phẩm như thịt bò, thịt gà, cá, gan, đậu Hà Lan, đậu lăng và các loại gia vị… Vi chất sắt có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, duy trì sự khỏe mạnh của các cơ, giảm mệt mỏi, giảm rụng tóc…
- Trong mùa đông, dù có lạnh lẽo đến đâu, cũng cần cố gắng ở ngoài trời ít nhất 1 tiếng. Thiếu nắng hoặc tiếp xúc quá ít với ánh nắng sẽ khiến cho số lượng melatonin - hooc-môn gây buồn ngủ và trầm cảm do não bộ sản sinh tăng cao. Thêm vào đó, thường xuyên phơi nắng còn giúp cơ thể tổng hợp được nhiều vitamin D hơn, giúp ngừa loãng xương.
2. Các vitamin không thể thiếu
Sự thay đổi thời tiết đột ngột khiến bạn dễ mắc các bệnh đường hô hấp, khó ngủ, căng thẳng và stress... Nguyên nhân là do cơ thể bạn đang bị thiếu hụt các vitamin quan trọng.
Giải pháp:
Điều chỉnh lại chế độ ăn uống bằng cách tăng cường các loại vitamin như C, B6, B12…
- Vitamin C - “nữ hoàng mùa đông” có khả năng kích thích hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn, hỗ trợ tích cực cho khả năng chống nhiễm khuẩn của cơ thể. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như cam, quít, kiwi, đu đủ…; rau xanh như bắp cải, ớt ngọt…
- Vitamin B6 tăng cường hoạt động của vitamin C và giúp cơ thể có sức đề kháng cao trước stress. Những nguồn vitamin B6 dồi dào là nấm men, mầm lúa mì, thịt và cá.
- Vitamin B12 có khả năng ngăn chặn sự mệt mỏi hình thành trong mùa đông và giúp cho cơ thể hấp thụ sắt dễ dàng hơn. Vitamin B12 được tìm thấy nhiều trong nội tạng động vật (nhất là gan), trứng, sữa.
Rét đậm, rét hại làm cho bạn không muốn chui ra khỏi lớp chăn ấm áp. Thêm vào đó, thời tiết lạnh lẽo còn khiến bạn liên tục bị mất tập trung.
Giải pháp: Hãy thử tìm đến những liều thuốc từ thiên nhiên như nhân sâm hay sữa ong chúa, đồng thời tắm nước nóng và nạp đầy năng lượng vào buổi sáng. Bởi vì:
- Nhân sâm giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn chặn các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
- Sữa ong chúa có khả năng chống mệt mỏi, hạ gục stress.
- Tắm nước nóng buổi sáng giúp đầu óc bạn tỉnh táo. Sau đó, nạp căng năng lượng bằng một bữa sáng thịnh soạn để bắt đầu ngày mới.
4. Ngủ trưa
Sau bữa ăn trưa, bạn cảm thấy mệt mỏi, cơ thể chậm chạp và đầu óc mất tập trung.
Giải pháp: Hãy chợp mắt chừng nửa tiếng để bắt tay hiệu quả vào công việc buổi chiều. Một nghiên cứu đã kết luận rằng những “tín đồ” ngủ trưa ít bị đột quỵ hơn những người không có thói quen này.
5. Lịch sinh hoạt ổn định
Vì lạnh nên bạn thường cố nán lại trên giường. Tuy nhiên, ngủ nướng chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và khó tập trung.
Giải pháp: Hãy cố gắng đi ngủ và thức dậy vào một giờ cố định trong ngày. Dù có là ngày nghỉ thì cũng đừng cố ngủ đến tận trưa. Sự phá vỡ đồng hồ sinh học trong cơ thể sẽ biến sáng thứ hai thành một ngày mệt mỏi và vất vả!
6. Vận động cơ thể
Gió lạnh cộng với mưa khiến tinh thần thể thao của bạn sụp đổ hoàn toàn. Kết quả là cơ thể ì ạch, người mệt mỏi và kém nhanh nhẹn.
Giải pháp: Hãy duy trì môn thể thao bạn thường luyện tập hoặc tìm kiếm những hình thức vận động khác phù hợp với bản thân trong mùa đông như đi bộ, nhảy dây và thậm chí là bơi lội…
Khiết Linh
Theo Internaute