1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những người sống chung với hiểm nguy

(Dân trí) - Những bệnh nhân HIV đang từng ngày giành giật sự sống thấy ấm lòng bởi bên họ có những người anh, người chị và cả trong vai trò người mẹ, người tri kỷ - đó là tập thể y bác sĩ Khoa Vi rút-Ký sinh trùng, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới.

Những kỷ niệm khó quên

 

Những người sống chung với hiểm nguy - 1

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm đang hướng dẫn sinh viên thực tập

ThS, BS Nguyễn Tiến Lâm, người có thâm niên cao nhất trong khoa, với gần 20 năm công tác, và cũng là người trực tiếp thăm khám, chữa trị cho những ca nhiễm HIV - AIDS đầu tiên ở Việt Nam (1990), chia sẻ: “Tôi không hề thấy sợ hãi, lo âu mà chỉ muốn biết đó là bệnh gì, tác hại như thế nào, chữa trị ra sao…”.

 

Kể từ đó tới nay, mỗi bệnh nhân nhập viện, mỗi hoàn cảnh, mỗi con người mang virus HIV đều để lại trong ông những trăn trở, nghĩ suy. Nhiều bệnh nhân nhập viện với con số O tròn trĩnh: không tiền ăn, không viện phí, không người chăm sóc và không còn con đường nào chờ đón ở phía trước.

 

Bác sĩ Lâm vẫn nhớ như in trường hợp của chị T.T.P (Cầu Giấy, Hà Nội). Chị nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng, cơ thể gầy gò, ốm yếu, khó thở. Sau khi xác định viêm phổi nặng trên bệnh nhân HIV, ngay lập tức, chị được các bác sĩ điều trị liên tục cho tới khi bình phục. Chị được về nhà, được cấp thuốc kháng virus và tiếp tục được theo dõi. Một năm sau, cũng cô gái đó, nhưng thay vì vẻ tiều tụy, cận kề với cái chết năm xưa là một vóc dáng, khỏe mạnh hồng hào. Cô đến gõ cửa phòng BS Lâm để nói lời cảm ơn!

 

Về viện năm 2006, điều dưỡng Phạm Thanh Tuyến vẫn nhớ như in kỷ niệm lần “tai nạn” đáng nhớ. Đó là đánh rơi chiếc hộp dùng đựng những chiếc kim tiêm, kim truyền cho bệnh nhân HIV - AIDS. Những mũi kim trong hộp văng ra, một chiếc bật lên cắm vào tay chị. Cô lo sợ đến gần như phát khóc trước tình huống bất ngờ.  Thanh Tuyến vội vàng đi rửa tay bằng nước, rồi xà phòng và chạy đi báo trưởng khoa. Ngay lập tức, trường hợp của Tuyến được báo cáo với lãnh đạo. Gần 1 tiếng sau cô đã hoàn thành các thủ tục xét nghiệm và được uống thuốc phơi nhiễm. Sau đó 3 tiếng, cô lại được kiểm tra để chắc chắn an toàn. Điều làm cô sung sướng nhất là chuyện mang thai đứa con đầu lòng sau sự việc đáng nhớ đó vài tháng, các xét nghiệm toàn diện đều khẳng định: “Thai khỏe, âm tính với HIV”.

 

Những tấm lòng đáng quý!

 

Những người sống chung với hiểm nguy - 2

Thăm khám, chăm sóc và cả trò chuyện là những công việc hằng ngày của mỗi bác sĩ, điều dưỡng viên khoa Vi rút - Ký sinh trùng

Khoa Virus - ký sinh trùng chỉ có 12 giường cho bệnh nhân AIDS nhưng số bệnh nhân nội trú luôn ở con số 18-20 người, có thời kỳ cao điểm lên tới 30 bệnh nhân. Ngoài ra còn có khoảng 1.500 bệnh nhân ngoại trú. Các bác sĩ phải làm việc hết sức căng thẳng nhưng họ vẫn làm việc bằng cả trái tim mình. “Tôi đến với nghề như một cái duyên, duyên nợ làm tôi gắn bó với nó”, TS. BS Nguyễn Tiến Lâm chia sẻ.

 

BS Lâm kể: Nhiều cô y tá trẻ mới ra trường xung phong về khoa này nhận công tác, được mấy bữa các cô thút thít gặp sếp nằng nặc xin chuyển khoa. Gặng hỏi mới ra nhẽ, thì ra mấy anh chồng nghe tin vợ đi chăm sóc bệnh nhân AIDS thì sống cách ly với vợ, trong sinh hoạt vợ chồng cũng gặp nhiều khó khăn, có người bắt vợ bỏ việc cho kỳ được. Những lúc như thế, anh lại phải huy động cả ê - kíp lãnh đạo đến tận nhà làm công tác tư tưởng cho gia đình. “Thế nên nghề này không có tâm thì không làm được”, BS Lâm nhấn mạnh

 

Nói chuyện với tôi, cô điều dưỡng Thanh Tuyền cười rất tươi: “Việc “sống chung với AIDS” mặc nhiên được các y, bác sĩ ở đây coi là chuyện hết sức bình thường. Bình thường đến nỗi nếu chẳng may bị phơi nhiễm cũng là chuyện không lấy gì làm to tát. Không riêng gì bản thân mình, cũng đã có vài chị em khác bị kim tiêm đâm vào tay trong lúc chăm sóc bệnh nhân”.

 

Điều dưỡng Thanh Tuyến cho biết thêm: “Hầu hết các bệnh nhân AIDS được chăm sóc tại bệnh viện đều là những người bệnh đã ở giai đoạn cuối. Chưa kể nhiều người đến giai đoạn phát bệnh, mắc 2 - 3 loại nhiễm trùng cơ hội: nào ho lao, nào lở loét, tiêu chảy... Chính vì thế họ rất mặc cảm, tự ti. Không ít người trong số đó có tâm trạng chống đối hoặc bất hợp tác. Chúng tôi phải vừa mềm mỏng vừa đúng mực để điều trị cho họ tốt nhất”.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Hùng Mạnh chia sẻ: “Xuyên suốt nghề y là lòng nhân ái nhưng không ở đâu lòng nhân ái lại thể hiện như ở những nơi điều trị bệnh nhân AIDS hay bệnh nhân SARS. Bởi không thể nói là không sợ lây nhiễm, chỉ cần bị một chiếc kim tiêm đã sử dụng đâm vào tay, các bác sĩ, y tá có thể có nguy cơ lây bệnh. Các bác sỹ trực tiếp làm công việc nguy hiểm này đã thay mặt cả ngành thể hiện điều đó”.

 

Phạm Hưng