Những người ho húng hắng, dai dẳng coi chừng mắc bệnh nan y
(Dân trí) - Rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi ở giai đoạn khởi phát không có biểu hiện rõ ràng, đến khi “lộ mặt” thì đã nặng. Bác sĩ cảnh báo những người bị ho húng hắng và dai dẳng cần đi tầm soát ung thư phổi để được điều trị sớm.
Ở Việt Nam, ung thư phổi chiếm vị trí hàng đầu cùng với cung thư gan, trong đó nam giới bị ung thư phổi cao gấp 2,5 lần nữ giới. Ung thư phổi ở giai đoạn khởi phát thường rất mập mờ dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác nên dễ bị bỏ qua hoặc khó phát hiện sớm. Bệnh nhân mới bị ung thư phổi ở giai đoạn khởi phát thường có biểu hiện ho húng hắng và dai dẳng.
Giai đoạn tiến triển nặng hơn sẽ khiến người bệnh bị sưng phổi, nặng ngực, sụt cân vô cớ, không thèm ăn, hay mệt mỏi. Ở giai đoạn muộn, người bệnh sẽ đau vai, đau lưng thường xuyên, ho ra máu, thở ngắn đi, khàn tiếng, đờm dính máu hoặc phù ở vùng mặt, cổ… Đến nay, chỉ có khoảng 15% số bệnh nhân bị ung thư phổi được phát hiện sớm, bằng phẫu trị, hóa trị, xạ trị khả năng sống còn sau 5 năm ở nhóm bệnh này là 50%. Ở nhóm bệnh nhân ung thư phổi phát hiện giai đoạn muộn, bệnh nhân đã bị di căn không thể phẫu trị, kết quả điều trị không cao.
Bệnh ung thư phổi thường chia làm 2 nhóm là tế bào nhỏ và không tế bào nhỏ. Khoảng 85% bệnh nhân ung thư phổ thuộc nhóm không tế bào nhỏ có tên gọi là ung thư phế quản hay cuống phổi vì bệnh mọc từ mặt trong của cuống phổi nhỏ rồi đến vùng rốn phổi. Bệnh nhân ung thư phổi phát hiện muộn thường bị di căn xa ở xương, gan, thượng thận và não.
Cách đây khoảng 2 thập niên, hóa trị là biện pháp tương đối ít hiệu quả với bệnh nhân, việc điều trị không đạt được kết quả như mong đợi vì vậy ung thư phổi bị liệt vào thể bệnh có tỷ lệ tử vong cao, khó điều trị. Hiện nay, với sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán cùng các nhóm thuốc thế hệ mới, kết hợp với liệu pháp đa mô thức việc điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi đã có những bước tiến vượt bậc.
TS.BS Lê Tuấn Anh, Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Kỹ thuật phân tích trình tự gen đã phát hiện ra những đột biến gen trên bệnh nhân ung thư phổi. Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư giúp từng bệnh nhân có liệu trình điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của mình, phương pháp hóa trị duy trì đã giúp giảm tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh đó, liệu pháp ức chế miễn dịch đang mang lại những tín hiệu vui cho người bệnh ung thư phổi.
Những tiến bộ trong hóa trị, xạ trị đã giúp bác sĩ có thể thực hiện xạ trị tập trung, giảm liều hoặc tăng liều cho phù hợp với từng người bệnh, giảm tác động đến các mô lành tính, giúp bệnh nhân có thể lành bệnh, hạn chế nguy cơ di căn. Hiệu quả trong việc điều trị đã được cải thiện rõ nét, trước đây người bệnh bị ung thư phổi việc điều trị chỉ kéo dài sự sống trung bình được khoảng 10 tháng nhưng đến nay thời gian sống trung bình đã tăng lên khoảng 48 tháng. Trong tương lai những hiểu biết về bệnh và tiến bộ của y học được kỳ vọng sẽ mang lại những bước tiến mới trong điều trị ung thư phổi.
Là bệnh nguy hiểm diễn tiến nhanh nhưng ung thư phổi có thể phòng tránh được. Các bác sĩ cho biết, người trực tiếp hút thuốc lá và những người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá) là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi trên khắp thế giới. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường và việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại cũng làm nguy cơ ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Môi trường không khói thuốc lá và tránh xa những tác nhân độc hại là lời khuyên của bác sĩ cho cộng đồng để phòng bệnh. Khi có biểu hiện ho húng hắng và dai dẳng, bệnh nhân cần đi tầm soát để phát hiện và điều trị sớm bệnh ung thư phổi.
Vân Sơn