1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những lưu ý khi nhậu ngày Tết để tránh ngộ độc, bảo vệ gan

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong dịp Tết Nguyên Đán, những bữa ăn thân mật bên gia đình, người thân và bạn bè khiến chúng ta khó lòng từ chối chén rượu.

Ngày Tết rất khó để tránh chén rượu mừng xuân mới, có người vui quá đà dẫn đến say rượu. 

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, rượu bia được xếp vào nhóm chất kích thích, tác động trực tiếp đến hệ thần kinh và ảnh hưởng các chức năng của não bộ.

Những hệ lụy có thể xảy ra khi lạm dụng rượu bia như: tình trạng ngộ độc cấp, các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa như xơ gan, viêm loét dạ dày,... hay nguy hiểm hơn như: suy nhược thần kinh, xơ vữa động mạch, gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Dưới đây là các lưu ý để sử dụng rượu bia an toàn trong dịp Tết:

Kiểm soát lượng rượu bia nạp vào cơ thể

Theo khuyến cáo, ở người trưởng thành, nam giới không nên tiêu thụ quá 2 đơn vị rượu/ngày, trong khi đó ở nữ giới là không quá một đơn vị rượu/ngày.

Nồng độ cồn của mỗi loại rượu bia là khác nhau, nhưng nhìn chung, một đơn vị rượu sẽ chứa khoảng 8-14g rượu nguyên chất.

Những lưu ý khi nhậu ngày Tết để tránh ngộ độc, bảo vệ gan - 1

Theo khuyến cáo, ở người trưởng thành, nam giới không nên tiêu thụ quá 2 đơn vị rượu/ngày, trong khi đó ở nữ giới là không quá một đơn vị rượu/ngày (Ảnh minh họa: Getty).

Mức này tương đương một lon bia 2-12 độ có dung tích 270-330ml hoặc một ly rượu vang 125ml 9-18 độ hay một ly rượu mạnh 40 độ với dung tích 40ml.

Quá mức khuyến nghị này, đều được xếp vào tình trạng lạm dụng rượu bia.

Không uống rượu khi đói, tránh rượu ngâm không rõ nguồn gốc

Lựa chọn loại rượu, bia an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm định và có chứng nhận.

Hạn chế tiêu thụ những loại rượu ngâm, rượu thuốc, thảo dược, động vật khi không biết rõ thành phần hoặc các hoạt chất có trong đó.

Đây cũng chính là nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ ngộ độc cấp tính vì hàm lượng độc tố cao.

Không sử dụng rượu với nồng độ cồn từ 30 độ trở lên với liều lượng quá 30ml/ ngày.

Không sử dụng rượu, bia khi đói, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm loét hoặc chảy máu dạ dày.

Nên ăn thức ăn giàu protein hoặc uống nước lọc, đặc biệt là ăn rau xanh trước khi uống rượu để làm chậm quá trình chuyển hóa và hấp thụ vào máu.

Không kết hợp rượu bia với các loại đồ uống có ga khác, sẽ dễ gây ra tình trạng kích ứng, chóng mặt, buồn nôn. Thậm chí, một số trường hợp nguy hiểm hơn có thể bị mất tri giác hoặc tử vong do nồng độ cồn quá cao.

Không uống rượu bia với caffeine. Kết hợp hai chất kích thích sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn khi tăng huyết áp, tăng nhịp tim, cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực.

Nên uống chậm rãi, lượng vừa phải, hạn chế việc kích ứng niêm mạc dạ dày, giúp gan có thời gian oxy hóa và đào thải.

Một số đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, người có các bệnh lý mạn tính như xơ gan, viêm gan và các bệnh đường tiêu hóa, tim mạch nên hạn chế, thậm chí tuyệt đối không sử dụng.

Trên đây những lời khuyên hữu ích để phòng tránh ngộ độc rượu bia. Tuy nhiên, cách phòng ngừa tốt nhất là tuyệt đối không sử dụng. Hoặc nếu có, chỉ nên dùng với liều lượng cho phép và sử dụng đúng cách, đúng thời điểm.

Say rượu đến mức nào cần nhập viện?

Khi người say rượu có một trong 8 biểu hiện dưới đây, hãy đưa ngay đến cơ sở y tế để được hỗ trợ tốt nhất:

- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.

- Co giật.

- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.

- Thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.

- Đái, ỉa ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)

- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai.

- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.