Liên tục bị mời bia tiệc tất niên, người đàn ông tổn thương thận suýt chết

Hoàng Lê

(Dân trí) - Không thể từ chối nhiều đồng nghiệp liên tục mời cụng ly trong tiệc tất niên, người đàn ông uống bia gấp 3 lần bình thường, sau đó phải nhập viện vì tổn thương thận cấp, tính mạng bị đe dọa.

Đó là trường hợp của ông F. (53 tuổi, quốc tịch Nhật Bản). Trước đó vào tối 2/2, ông F. tham dự tiệc tất niên do công ty tổ chức.

Suýt chết vì "không thể từ chối cụng ly"

Theo người đàn ông, bình thường ông chỉ uống 1-2 ly bia, nhưng trong buổi tiệc, có quá nhiều người mời cụng ly để mừng kết thúc năm cũ khiến ông không thể từ chối. Khi uống đến ly bia thứ 6, ông nôn ói nhiều, cảm giác buồn ngủ và bất ngờ đi loạng choạng, té ngã, nên được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng mê man. Kết quả xét nghiệm cho thấy kali trong máu hạ dưới ngưỡng bình thường, nồng độ cồn trong máu cao (73,44 mg/dL).

Nghiêm trọng hơn, người bệnh bị tổn thương thận cấp do mất cân bằng dịch và điện giải, dẫn đến giảm mức lọc cầu thận. Rất may là kết quả cộng hưởng từ não không phát hiện tổn thương mới sau chấn thương đầu do té ngã.

Liên tục bị mời bia tiệc tất niên, người đàn ông tổn thương thận suýt chết - 1

Người đàn ông phải điều trị ở bệnh viện sau khi uống 6 ly bia (Ảnh: BV).

"Nếu bệnh nhân không đến bệnh viện và tiếp tục nôn ói, rối loạn điện giải sẽ nặng hơn, khiến bệnh nhân có nguy cơ rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim.

Tình trạng mất nước cấp sẽ gây tổn thương thận cấp, nếu điều trị muộn hơn có thể sẽ gây suy thận mạn", bác sĩ Linh chia sẻ.

Sau 2 ngày điều trị, bù nước và điện giải, theo dõi sát, tình trạng bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Người đàn ông đã ăn uống lại được, còn đau họng nhẹ do nôn ói nhiều, chức năng thận và nồng độ kali máu trở về mức bình thường.

Rượu bia làm tăng nguy cơ mắc hơn 200 bệnh

Bác sĩ Linh cảnh báo, hầu hết alcohol (cồn) có ở rượu bia sẽ được hấp thụ vào máu qua dạ dày và ruột non. Alcohol theo máu di chuyển khắp cơ thể cho đến khi được gan chuyển hóa và đào thải. Một phần nhỏ còn lại sẽ được bài tiết trực tiếp dưới dạng chưa chuyển hóa qua nước tiểu, mồ hôi hoặc hơi thở.

Alcohol gây độc hầu hết các cơ quan trong cơ thể, có thể gây tổn thương gan, dạ dày, thực quản, ruột, tụy và não bộ… Nồng độ cồn trong máu trên 70 mg/ml đủ làm cho người uống thay đổi cảm xúc (buồn vui, giận dữ đột ngột)…

Liên tục bị mời bia tiệc tất niên, người đàn ông tổn thương thận suýt chết - 2

Dịp Tết là thời điểm người dân tiêu thụ rất nhiều rượu bia (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Nguy hiểm nhất là khi ngộ độc rượu bia do nồng độ alcohol trong máu quá cao nhưng thường bị nhầm lẫn say rượu với các triệu chứng như: lú lẫn, phản ứng chậm, nói ngọng, buồn ngủ, nôn mửa, khó kiểm soát ý thức… Đây là lý do khiến nhiều người biến chứng, tử vong do không được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Linh cho biết thêm, ngoài những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, uống nhiều rượu bia còn gây ra nhiều hệ lụy tức thì khác như chấn thương, bạo lực, các hành vi tình dục nguy hiểm như quan hệ tình dục không an toàn hoặc quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.

Về lâu dài, rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc hơn 200 bệnh khác nhau, bao gồm cả bệnh về gan, tuyến tụy và một số bệnh ung thư. Rượu bia làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm và lo lắng…

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần hạn chế uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Khi say rượu bia, nên uống thêm nước để tránh tình trạng mất nước, giúp nhanh đào thải chất độc qua đường tiểu và giảm thiểu các triệu chứng nôn nao, khát nước.

Khi có tình trạng nôn ói nhiều, mệt li bì, người dân cần đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm