Những kỹ thuật nội soi ghi dấu ấn thế giới
(Dân trí) - Trong đề tài “Cụm công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi trẻ em” tham dự Giải thưởng Nhân tài đất Việt của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương, ông rất tâm đắc với nhiều kỹ thuật mới được thế giới đánh giá cao.
Với tính cách luôn không bằng lòng với hiện tại, luôn thích khám phá, hướng tới những cái tốt đẹp, những thử thách mới, khám phá mới, cùng với phương hướng hành động: “Không bao giờ coi một phương pháp mổ đã là lý tưởng. Mỗi ngày khi mổ xong phải luôn suy nghĩ xem có cách nào làm tốt hơn không, có cách nào có thể làm giảm thời gian, làm bệnh nhân chóng hồi phục không, kết quả tốt hơn không”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm đã có nhiều cải tiến kỹ thuật mổ, sáng tạo ra những kỹ thuật mổ mang lại hiệu quả điều trị cao, được thế giới ghi nhận.
Sau khi đã thành công với một lần mổ cho trẻ, nhưng GS Liêm vẫn chưa hài lòng bởi đường mổ to để lại sẹo lớn cho trẻ và thời gian hồi phục lâu, ông đã quyết định nghiên cứu kỹ thuật mổ nội soi cho trẻ. Năm 1997, kỹ thuật mổ nội soi chữa bệnh phình đại tràng bẩm sinh lần đầu tiên được tiến hành và đến năm 2001, phẫu thuật này đã được sử dụng thường quy chữa bệnh lý này cho bệnh nhi.
Qua nghiên cứu 100 trường hợp bệnh nhi được phẫu thuật bằng phương pháp này tại BV Nhi TƯ từ tháng 1/2002 – 6/2004 cho thấy thành công tuyệt vời của phương pháp này. Không ca bệnh nào có biến chứng hay tử vong trong mổ. Chỉ có 1 trường hợp phải mở bụng vì đoạn vô hạch dài hết đại tràng trái, không có trường hợp nào mất máu trong mổ và thời gian nằm viện trung bình chỉ 6 ngày. 100% trường hợp khi ra viện đều đại tiện chủ động hàng ngày. So với mổ mở trước đó với nhiều nguy cơ như liệt ruột cơ năng, bụng chướng và nôn ra dịch mật sau mổ thì phương pháp nội soi đã hạn chế được các biến chứng này. Phương pháp này cũng tránh được các biến chứng kinh điển của phẫu thuật bụng như toạc vết mổ và bục thành bụng, thời gian nằm viện cũng ngắn hơn.
Điều trị thoát vị cơ hoành bằng nội soi
Trước đây, để chữa căn bệnh này người ta mổ ngang đường bụng, cắt cơ, sang chấn, nguy cơ tử vong cao. Năm 2000, GS Liêm đã lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật này tại BV Nhi TƯ. Sau khi thành công ở trẻ lớn, GS Liêm đã bắt đầu mổ nội soi cho trẻ nhỏ dần đi, từ trẻ một vài tháng đến trẻ mới sinh. “Tôi đưa ra quyết định mổ trẻ sơ sinh một vài ngày tuổi vì việc mổ sớm sẽ giúp ích, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhi. Trong thực tế, nếu đợi lớn mới mổ thì nhiều trẻ không đợi được. Không phải cháu nào cũng biểu hiện muộn. Đa số các trường hợp là biểu hiện ngay sau sinh và nó đòi hỏi mổ trong 2 - 3 ngày vì để muộn là trẻ chết”, GS Liêm nói.
Tháng 11/2003 GS Liêm đã báo cáo đề tài này tại Hội nghị phẫu thuật nhi châu Á. Cùng thời điểm này, một tác giả người Mỹ cũng báo cáo về kỹ thuật này và đi đến khuyến cáo là không nên làm ở trẻ sơ sinh. Trong khi đó, Việt Nam khuyến cáo ngược lại, nên làm với trẻ sơ sinh.
“Khi đó đã có cuộc tranh luận rất sôi nổi bởi hai khuyến cáo rất mâu thuẫn, trong khi khuyến cáo không nên làm là của Mỹ, báo cáo nên làm là của Việt Nam. Và chúng ta đã chứng minh được khi tiếp tục thành công ở bệnh nhi sơ sinh và có tiếp 4 công trình nghiên cứu nữa, báo cáo ở các hội nghị quốc tế khác nhau, xuất bản ở các tạp chí quốc tế khác nhau. Đến nay, Việt Nam thực hiện nội soi cho 300 trường hợp thì có 70% là trẻ sơ sinh”, GS Liêm nói.
Sau đó Việt Nam phát triển thêm một bước nữa, đó là không chỉ chứng minh là làm thành công ở trẻ sơ sinh mà còn làm thành công ở trẻ phải thở máy cao tần.
“Trước đây khi thực hiện nội soi chữa thoát vị cơ hoành cho trẻ sơ sinh nhưng chỉ ở những trẻ vẫn thở được bình thường, hoặc có thể vẫn thở máy nhưng thở máy thông thường. Nhưng có những nhóm trẻ rất nặng, thở máy thông thường không được mà phải thở máy cao tần (thở máy thông thường khoảng 60 lần/phút còn thở máy cao tần 2.000/phút). Thở máy cao tần khiến toàn bộ lồng ngực bị rung. Trước đây, chưa ai nghĩ đến việc mổ nội soi ở trẻ đang thở máy như vậy, thế giới chưa ai làm được và Việt Nam đã làm được, đã mổ thành công cho trẻ sơ sinh đang phải thở máy cao tần. Thành công này đã được chúng tôi báo cáo nhiều hội nghị quốc tế, đã xuất bản quốc tế và được thế giới ghi nhận”, GS Liêm nói.
Điều trị u nang ống mật chủ bằng phẫu thuật nội soi
U nang ống mật chủ là một dị tật thường gặp ở trẻ em Việt Nam. Cho đến nay kỹ thuật cắt nang và nối ống gan chung với ruột non kiểu Roux - en Y đã trở thành kỹ thuật tiêu chuẩn để điều trị loại dị tật này. Tuy nhiên trong những năm gần đây kỹ thuật nội soi đã được một số tác giả sử dụng có kết quả tốt. Việt Nam đã thực hiện thành công 500 ca và được thế giới đánh giá cao.
“Điều trị u nang ống mật chủ là một phẫu thuật rất phức tạp, nhiều nguy cơ biến chứng, ngay cả phẫu thuật mổ mở cũng nhiều khó khăn. Năm 1995 có báo cáo nội soi nhưng sau đó ít nơi thực hiện. 2006 viện Nhi TƯ thực hiện 3 ca đầu tiên và năm 2007 bắt đầu công bố quốc tế. Đến nay gần 500 trường hợp thành công, có 4 công trình nghiên cứu báo cáo hội nghị quốc tế. Công trình gần đây nhất báo cáo khi thực hiện được 400 trường hợp. Với thế giới, con số này rất ấn tượng, kinh khủng vì thế giới thực hiện các ca này nhỏ lẻ. Mỗi đơn vị chỉ thực hiện 4 - 5 ca. Khó khăn đầu tiên là ít bệnh nhân và cũng rất nguy hiểm nên nhiều nơi không dám làm, vẫn mổ mở”, GS Liêm cho biết.
Phẫu thuật cắt tuyến ức bằng nội soi
Có thể thực hiện cắt tuyến ức bằng đường cổ, đường mổ xương ức hoặc đường mổ lồng ngực được áp dụng khá phổ biến ở người lớn nhưng kinh nghiệm cắt tuyến ức bằng nội soi ở trẻ em còn ít và hạn chế.
GS Liêm đã góp phần đưa tiếng tăm của nội soi Việt Nam trên toàn thế giới. Nội soi nhi Việt Nam được thế giới đánh giá cao, BV Nhi TƯ trở thành một trung tâm điều trị nội soi không chỉ cho bác sĩ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. GS Liêm cũng đã có 20 tác phẩm thuộc cụm công trình phẫu thuật nội soi trẻ em đã xuất bản quốc tế. 15 công trình thuộc cụm các công trình phẫu thuật nội soi đã xuất bản trong nước. |
So với phẫu thuật trước đó, cắt tuyến ức bằng nội soi có nhiều ưu điểm hơn. Thương tổn trong mổ ít hơn so với đường cắt xương ức trong phẫu thuật quy ước. Vì vậy, mức độ đau sau mổ giảm đến mức tối thiểu do các cơ lồng ngực không bị cắt nên thời gian hồi phục sau mổ nhanh và thời gian nằm viện ngắn. Giá trị thẩm mỹ cao vì bệnh nhân hầu như không có sẹo sau mổ so với những đường mổ dài trong mổ quy ước.
Hồng Hải