1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Những giải thưởng như thế này sẽ giúp đánh động dư luận”

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của tập thể y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy sau khi nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt cho cụm công trình “Ghép thận và gan từ người sống cho tạng và người chết não hiến tạng” vào tối qua (19/11).

 

Giải thưởng đã mở thêm cánh cửa cứu sống bệnh nhân cần tạng hiến

Ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế lên trao giải cho đại diện tập thể y bác sĩ BV Chợ Rẫy (Ảnh: Việt Hưng).

 
 
Sự tưởng thưởng xứng đáng!

 

Một cảm nhận chung ngay sau lễ trao giải Nhân tài Đất Việt là các thành viên đại diện cho tập thể y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy rất vui mừng, vinh dự khi những nỗ lực âm thầm, không mệt mỏi suốt 20 năm qua của tập thể y bác sĩ bệnh viện đã được ghi nhận.

 

Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Trần Minh Trường, PGĐ bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng vì đây là thành tích chung của tất cả đơn vị, với rất nhiều khâu tham gia vào ca ghép này, từ khâu tổ chức, quản lý đến công tác thuyết phục, chuẩn bị, thực hiện… Qua đây, chúng tôi có thêm sự phát triển về mặt khoa học kỹ thuật.

 

Trên thực tế, việc chuẩn bị cho việc ghép thận, đã có từ rất nhiều năm và nay trở thành thường xuyên tại BV chợ Rẫy và vấn đề ghép gan, vốn phức tạp, khó hơn rất nhiều. Qua ghép thận rồi đến ghép gan, trình độ của đồng nghiệp đã có những bước phát triển; giúp cho việc ghép thận trở thành thường quy. Còn với ghép gan, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện thường xuyên”.

 

Còn PGS.TS Nguyễn Tấn Cường, Trưởng khoa Gan Mật Tụy, bác sĩ phẫu thuật chính trong ca ghép gan đầu tiên tại khu vực phía Nam, bày tỏ: “Chúng tôi rất lấy làm vinh hạnh vì đây là sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, là sự tưởng thưởng xứng đáng với tập thể bệnh viện chợ Rẫy.

 

Chúng tôi đã tiến hành ghép thận từ 1992, đề tài ghép gan đã được khởi xướng từ 1993 nhưng mãi đến năm 2012 mới có kinh phí để thực hiện trên người. Chúng tôi thực sự rất cảm kích với sự đánh giá của cấp trên đối với sự nỗ lực của bệnh viện Chợ Rẫy”.
 
 
PGS. TS Trần Minh Trường, đại diện cho tập thể, lên chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải

PGS. TS Trần Minh Trường, đại diện cho tập thể, lên chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải (Ảnh: Việt Hưng)
 
Đánh giá về thành tựu ghép tạng được ghi nhận liên tục tại giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong các năm qua, PGS. TS Trần Minh Trường cho rằng: “Đây là vinh dự cho ngành y tế. Nó thể hiện rằng ngành y tế được quan tâm, được đào tạo. Tôi nghĩ và tôi tin các đồng nghiệp cũng nghĩ vậy”.

 

Chia sẻ về ý nghĩa của giải thưởng, PGS.TS Nguyễn Tấn Cường tin tưởng rằng: “Thông qua những giải thưởng như thế này sẽ giúp đánh động dư luận, giúp cho dư luận hiểu hơn về ghép tạng, giúp người thân của những gia đình có người bị tai nạn có cái nhìn cởi mở hơn trong việc sẵn sàng hiến tạng cứu người”.

 

Mong muốn lớn nhất là bệnh nhân bớt khổ
 
 
TS.BS Thái Minh Sâm và PGS.TS Nguyễn Tấn Cường (hai người đầu tiên bên trái) 

TS.BS Thái Minh Sâm và PGS.TS Nguyễn Tấn Cường (hai người đầu tiên bên trái) (Ảnh: Việt Hưng)

Một điều có thể cảm nhận rất rõ là mặc dù được đánh giá cao, được xã hội ghi nhận nhưng tập thể các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy lúc nào cũng hướng về nỗi đau của người bệnh. Họ không đòi hỏi gì cho bản thân mà chỉ luôn nghĩ rằng: “Nhu cầu của người bệnh là có thật, tình cảm của người bệnh là có thật và nếu như giúp cho bệnh nhân nhiều hơn nữa, người bệnh đỡ đau khổ - đó là những thứ quý hơn mọi giá trị tiền bạc”, PGS. TS Trần Minh Trường chia sẻ

 

Vậy nhưng trước mong mỏi đó và thực tế là tỉ lệ người bệnh cần ghép thận, ghép gan… ở khu vực phía Nam rất đông nhưng ê kíp thực hiện ghép thận tại bệnh viện Chợ Rẫy chỉ thực hiện được có hơn 270 ca trong 20 năm qua, hiện trung bình là 30 - 40 ca/năm. Hay như ghép gan, đề tài có từ 2003, thực hiện thử nghiệm nhiều lần trên động vật nhưng cũng phải đến năm 2012 này mới có ca ghép đầu tiên.

 

Trong khi đó, năng lực bác sĩ Việt không thua kém gì thế giới. “Khả năng của ê kíp có thể thực hiện đến 300 ca ghép thận/năm. BV Chợ Rẫy không chỉ là đơn vị tiên phong không chỉ trong nước về các kỹ thuật ghép tạng từ người cho chết não, lấy thận nội soi từ người cho, nội soi sau phúc mạc giúp giảm thời gian nằm viện, biến chứng… mà cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và thực hiện thành công kỹ thuật chuyển vị mạch máu cho những trường hợp có mạch máu ngắn…”. TS. BS Thái Minh Sâm, Phó khoa Ngoại tiết niệu, thành viên chính trong ê-kíp ghép thận của BV Chợ Rẫy, cho biết. Hay như ê kíp ghép gan, mặc dù người cho có men gan tăng cao bất thường ngay sát ngày mổ, người được cho thì có tới 3 lá lách… tất cả đều được xử lý chuẩn xác, giúp ca mổ thành công tuyệt đối.

 

Nhưng ý thức xã hội, những hạn chế của luật ghép tạng lại chính là rào cản khiến tâm nguyện của các bác sĩ chưa thể thành hiện thực. Nói về luật hiến tạng, PGS.TS Nguyễn Tấn Cường giải thích: “Có những người sẵn sàng hiến tặng gan cho những người bệnh xa lạ, vốn trong gia tộc không có ai đủ điều kiện để hiến tặng gan, nhưng luật chỉ cho phép hiến tạng từ người cùng huyết thống. Trong khi có những người khoẻ mạnh, cho biết sẵn sàng hiến 1 phần gan của mình để cứu người cần còn nhiều người bệnh lại không có người thân đủ điều kiện để hiến tặng… Chúng tôi hy vọng luật sẽ được sửa đổi để có thêm nhiều người được cứu”. Còn về nhận thức xã hội, PGS. TS Nguyễn Tấn cường lại rất lạc quan: “Thông qua những giải thưởng như thế này (Nhân tài Đất Việt – PV) sẽ giúp đánh động dư luận xã hội, giúp cho mọi người hiểu hơn về ghép tạng, giúp người thân của những gia đình có người bị tai nạn có cái nhìn cởi mở hơn trong việc sẵn sàng hiến tạng cứu người”.

 

Mong truyền thông quảng bá để tăng tỉ lệ người chết não cho tạng bởi bệnh nhân còn rất nhiều, tỉ lệ người suy thận hiện rất đông. Người sống cho thận không thể đủ. Trung bình 1 năm chỉ ghép 30-40 ca trong khi khả năng ghép có thể lên tới 200-300 ca nhưng không có nguồn cho” là lời gửi gắm của TS.BS Thái Minh Sâm với chúng tôi khi buổi lễ trao giải Nhân tài Đất Việt vừa khép lại.

 

Phương Trần