Những dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh nhân Covid-19 cần được cấp cứu
(Dân trí) - Các chuyên gia ước tính trong số 20% bệnh nhân Covid-19 ở mức độ vừa và trung bình có 5% chuyển biến nặng và 0,5-1% diễn tiến rất nặng.
Hầu hết người mắc Covid-19 không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, vẫn có 15-20% các trường hợp tiến triển dần nặng lên. Diễn tiến bệnh tùy theo cơ địa của mỗi bệnh nhân, song những yếu có thể là làm tăng nguy cơ bệnh nặng là người cao tuổi, người có bệnh nền, béo phì…
Bệnh thường tiến triển nặng vào tuần thứ 2 kể từ khi phát bệnh. Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
Triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2
Thời gian ủ bệnh là 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày. Trong giai đoạn khởi phát, người bệnh hay gặp các triệu chứng như: sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi..
Trong giai đoạn toàn phát, hầu hết các bệnh nhân (khoảng hơn 80%) có chỉ bị sốt nhẹ, ho, mệt mỏi và không bị viêm phổi và tự hồi phục sau một tuần. Một số trường hợp có viêm kết mạc, dấu hiệu viêm đỏ các đầu ngón chân… Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu điều trị triệu chứng.
Cụ thể, theo TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), nếu sốt trên 38 độ 5, có thể dùng paracetamol, liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn. Trẻ em không uống quá 4 lần trong một ngày.
Nếu bị ho, người bệnh có thể dùng các thuốc giảm ho thông thường (thảo dược hay quất hấp mật ong…). Đồng thời cần báo với nhân viên y tế nếu ho tăng lên nhiều.
Để tăng cường miễn dịch, bệnh nhân cố gắng ăn uống đảm bảo đủ chất, đủ vitamin (có thể uống bổ sung một số loại vitamin như vitamin C, B, PP…), uống nhiều nước, giữ vệ sinh thân thể (răng miệng…).
Người bệnh có thể tập các động tác thể dục vừa sức, lưu ý không tập thể dục nặng, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó, cần cố gắng suy nghĩ tích cực, đọc sách đọc báo, xem tin tức…
Phát hiện sớm dấu hiệu cần được cấp cứu
Dưới đây, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội chỉ ra gợi ý giúp phát hiện sớm dấu hiệu cần được cấp cứu ở bệnh nhân Covid-19 trong quá trình theo dõi, điều trị tại nhà.
Ở người lớn, các triệu chứng này bao gồm:
- Thần kinh: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả.
- Hô hấp: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc nhịp thở nhanh > 25 lần/phút hoặc SpO2 ≤ 94%.
- Nhịp tim: > 120 nhịp/ phút hoặc < 50 nhịp/phút.
- Huyết áp thấp: Huyết áp tâm thu < 90mmHg, huyết áp tâm trương < 60mmHg
- Đau tức ngực: Đau thường xuyên, cảm giác co thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Chi: Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân; da xanh, môi nhợt, lạnh đầu chi.
- Toàn thân: Bất kỳ tình trạng bất ổn nào mà người bệnh nghĩ rằng mình cần cấp cứu ngay.
Những dấu hiệu cảnh báo ở trẻ gồm:
- Tím tái.
- Không thể uống/bú được.
- SpO2 ≤ 94%.
- Ho, khó thở hoặc thở nhanh: nhịp thở lớn ≥ 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng; ≥ 50 lần/phút ở trẻ 2-11 tháng, ≥ 40 lần/phút ở trẻ 1-5 tuổi.
- Thở rên hoặc rút lõm lồng ngực.
- Toàn thân là bất kỳ tình trạng bất ổn nào cần được cấp cứu.