Những dấu hiệu dễ nhầm lẫn của ung thư vòm họng
Dấu hiệu bệnh ung thư vòm ở giai đoạn sớm khá kín đáo như nhức đầu, ù tai, ngạt mũi nên bệnh dễ bị nhầm với các triệu chứng của bệnh viêm nhiễm vùng tai mũi họng.
Ung thư vòm họng là gì?
Trên thế giới hình thành ba khu vực địa lý có tỷ lệ mắc hoàn toàn khác nhau. Khu vực có nguy cơ mắc cao gồm miền Nam Trung Quốc và các nước vùng Đông nam châu Á. Khu vực có nguy cơ trung bình và ngày càng tăng bao gồm các nước ở vùng Bắc Phi. Khu vực có nguy cơ thấp bao gồm các nước châu Âu, châu Mỹ.
Theo bệnh gồm 3 tuýp theo phân loại mô bệnh học của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong đó bao gồm: Tuýp 1 là ung thư biểu mô biệt hóa cao, Tuýp 2 là ung thư biểu mô không sừng hóa (chiếm 15-20% trường hợp) và Tuýp 3 là ung thư biểu mô không biệt hóa là dạng phổ biến nhất ở các vùng dịch tễ của bệnh (80-90%), có mối liên quan với Virus Epstein-Barr (EBV), bác sĩ Đỗ Tất Cường, khoa Xạ trị Mô bệnh học, Bệnh viện Ung Bướu (Hà Nội) cho biết.
Hình ảnh ung thư vòm hầu giai đoạn sớm trên nội soi tai mũi họng (vị trí mũi tên)
Nguyên nhân gây bệnh ung thư vòm họng
Nguyên nhân gây bệnh cho tới nay chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên có rất nhiều giả thiết.
- Virus Epstein-Barr (EBV)
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa hoa nhận thấy bệnh ung thư vòm họng có liên quan đến virus Epstein-Barr (EBV). Xét nghiệm kháng thể chống virus này tăng cao ở một số bệnh nhân ung thư vòm họng loại biểu mô không biệt hóa. Ngoài ra, ADN virus này có trong nhân các tế bào ung thư.
- Yếu tố môi trường
Thức ăn giàu các chất nitrosamine (thịt muối, thịt hun khói, rượu, bia, cá muối, dưa muối khú, nước mắm….) dễ bay hơi là một tác nhân sinh ung thư đã được biết tới, gây ung thư biểu mô mũi, xoang trên thực nghiệm.
- Bất thường nhiễm sắc thể
Các nghiên cứu về biến đổi di truyền ở những bệnh nhân ung thư vòm mũi họng đã phát hiện những tổn thương trên các NST 3p, 9p, 11q, 13a, 14q và 16q có ảnh hưởng tới vùng chứa các gene ức chế hình thành u.
- Môi trường
Kiều dân Trung Quốc khi sang Mỹ ít bị ung thư vòm họng hơn ở trong nước. Vì thế, các nhà khoa học cho rằng môi trường có thể tác đông vào bệnh. Tổn thương chức năng tế bào lympho T kèm theo nhiễm EBV mạn tính là 2 yếu tố nguy cơ cao đã được xác định.
- Tuổi và giới tính
Ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, song đỉnh cao ở khoảng 40-60 tuổi. Bệnh gặp ở cả hai giới nhưng ở nam nhiều hơn với tỷ lệ khoảng 2-3 nam/1 nữ.
Triệu chứng của bệnh
GS. TS Mai Trọng Khoa, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết ở giai đoạn đầu các triệu chứng của ung thư vòm họng rất mơ hồ, kín đáo dễ bị bỏ qua vì hay bị nhầm với các triệu chứng của bệnh viêm nhiễm vùng tai mũi họng. Khi các triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Giai đoạn sớm
Người bệnh thường có biểu hiện như nhức đầu (lan tỏa, âm ỉ, thường ở một bên), ù tai (phần lớn là một bên, u tai như tiếng ve kêu), ngạt mũi một bên lúc nặng lúc nhẹ, đôi khi xì ra máu mũi.
Giai đoạn muộn
Khi đó khối u đã phát triển tăng dần về kích thước, xâm lấn ra xung quanh nên bệnh nhân có biểu hiện nhức đầu liên tục có lúc dữ dội, có điểm đau khư trú. Ù tai tăng, nghe kém, giảm thính lực, có thể điếc, ngạt mũi liên tục, kèm chảy máu mũi, không đáp ứng với điều trị thông thường.
Ngoài ra, bệnh nhân thường nổi hạch ở cổ cùng bên với u nguyên phát, thường ở vị trí góc hàm hoặc xuất hiện nhiều hạch ở một hay hai bên cổ. Một số trường hợp bị lồi mắt hoặc liệt vận nhãn, hiếm gặp bệnh nhân bị xâm lấn ổ mắt.
Khi nội soi tai mũi họng, có thể thấy khối u nằm ở trong trần vòm hoặc ở thành bên hoặc lan rộng. Giai đoạn muộn, có thể gặp u đẩy lồi nhãn cầu, lan xuống họng miệng hoặc sùi ra ngoài ống tai. Qua nội soi, bác sĩ tiến hành sinh thiết u làm chẩn đoán mô bệnh học.
Bệnh có tiên lượng tốt nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời.
Điều trị
Phương án điều trị dựa trên nhiều yếu tố: giai đoạn bệnh, tuýp mô bệnh học, thể trạng chung của người bệnh.
Xạ trị
Đây là phương pháp cơ bản nhất trong điều trị ung thư vòm họng. Liều xạ trị được chỉ định theo giai đoạn bệnh. Hiện nay xu hướng phối hợp hóa-xạ trị đồng thời đã góp phần giảm một phần liều xạ nhưng vẫn đạt hiệu quả điều trị. Ở đây hóa chất được coi như một yếu tố làm tăng nhạy cảm của tổ chức ung thư với xạ trị.
Hóa trị
Hóa trị được chỉ định phối hợp đồng thời với xạ trị hoặc bổ trợ sau xạ trị cho các giai đoạn muộn (III IV, T3…) và một số di căn, tái phát tại chỗ của loại ung thư.
Phẫu thuật
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để lấy hạch cổ làm chẩn đoán gián tiếp hoặc lấy hạch còn lại sau xạ trị.
Trong trường hợp bệnh nhân có di căn xương thì cần điều trị phối hợp với thuốc chống huỷ xương, thuốc phóng xạ giảm đau, xạ trị giảm đau xương.
Nếu có di căn lên não cần điều trị với thuốc phối hợp chống phù não, xạ trị toàn não hoặc xạ phẫu bằng dao gamma quay.
Điều trị ung thư là một điều trị nặng nề. Vì thế, bệnh nhân cần có một sức khỏe đảm bảo trước các liệu trình điều trị để việc điều trị có thể đạt kết quả tốt nhất. Điều trị các bệnh răng miệng và chăm sóc răng miệng trong khi điều trị.
Tiên lượng và cách phòng bệnh ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Tuy nhiên, ngay cả ở giai đoạn muộn thì việc điều trị cũng đưa lại kết quả khả quan trong việc nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Tỷ lệ sống thêm 5 năm sau điều trị đạt 80-90% ở giai đoạn I và II, 30-40% ở giai đoạn III, 15% ở giai đoạn IV. Song 90-97% bệnh nhân ở nước ta phát hiện bệnh ở giai đoạn III và IV.
Theo GS. TS Mai Trọng Khoa, để phòng bệnh, người dân nên hạn chế ăn uống các thực phẩm lên men, đồng thời duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau và hoa quả tươi.
Để được phát hiện sớm bệnh cần thăm khám tai mũi họng khi có các triệu chứng ngạt mũi, ù tai, nổi hạch cổ một bên tăng dần. Ở những gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư vòm họng thì cần khám sức khỏe định kỳ.
Theo Vietnamnet