Những đặc sản Tết dễ gây hóc cho trẻ, bố mẹ cần chú ý
(Dân trí) - Bận rộn tiếp khách ngày Tết, các bậc phụ huynh cũng "lơ là" hơn trong việc trông nom con cái. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng rủi ro xảy ra các tai nạn ở trẻ, điển hình là hóc dị vật.
PGS.TS Lương Thị Minh Hương, khoa Nội soi, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương (Hà Nội) cho biết: "Đối tượng hóc dị vật mà chúng tôi thường gặp nhất là trẻ từ 1-3 tuổi. Bởi lúc này, trẻ đã có thể tự di chuyển được, bố mẹ cũng ít chú ý hơn trong chăm sóc".
Theo PGS Hương, nhiều đặc sản Tết dễ khiến trẻ nhỏ bị hóc nếu không cẩn thận khi ăn. Cụ thể:
Hóc dị vật đường thở
Hóc dị vật đường thở xảy ra khi dị vật bị lọt vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản.
Theo PGS Hương, các loại hạt thường bày biện ngày Tết như hạt hướng dương, hạt dưa, hạt bí, hạt lạc. Thậm chí là các mảnh xương nhỏ, trong cháo hoặc canh cũng có thể gây hóc dị vật đường thở.
"Khi bị hóc dị vật đường thở, chỉ trừ một số trường hợp đặt biệt, chúng ta sẽ ho sặc sụa, đây là phản xạ bảo vệ đường thở dưới của thanh quản. Nếu không có phản xạ này, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ cao tử vong do dị vật bít tắc đường thở. Do đó, đây cũng là dấu hiệu gợi ý hóc dị vật đường thở có giá trị nhất", PGS Hương phân tích.
Tuy nhiên cũng có trường hợp dị vật nhỏ hơn có thể chui xuống phế quản. Thường không gây ra triệu chứng nhiều nhưng sau vài ngày sẽ có dấu hiệu nhiễm trùng như ho, sốt. Với dị vật thanh quản thì dấu hiệu nhận diện thường là khàn tiếng, khó thở, ho khan không đờm.
PGS Hương nhấn mạnh rằng, hóc dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm, trong trường hợp đường thở bị bít kín, trẻ có thể tử vong trong một thời gian ngắn.
Do đó, phụ huynh cần nhận diện những dấu hiệu của hóc dị vật đường thở để kịp thời để đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Trong trường hợp thậm cấp, trẻ đã rất tím tái, cần sơ cứu ngay tại chỗ, vì trẻ có thể tử vong chỉ trong vài phút.
Về cách sơ cứu, theo PGS Hương, đối với trẻ em bị hóc dị vật đường thở, một biện pháp hiệu quả là dốc ngược trẻ lên, rồi vỗ vào bụng. Trong tư thế này, trong lực sẽ khiến dị vật chạy lên phần vòm họng và người lớn có thể dùng tay móc dị vật ra.
Hóc dị vật đường ăn
Theo PGS Hương trong các tai nạn hóc dị vật đường ăn thường gặp ở trẻ, thủ phạm chủ yếu là do những vật sắc, nhỏ khi trẻ nuốt vào có thể mắc ở đường ăn như hạ họng, thực quản. Trong các món ăn ngày Tết có thể kể đến như xương động vật trong canh măng, canh cá, bún cá, cháo…
Với các trẻ lớn có thể mô tả cho bố mẹ các triệu chứng bị hóc xương, từ đó có thể dễ dàng xác định tình trạng của trẻ. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, cần để ý các dấu hiệu bất thường như trẻ hóc, khạc có thể có chảy máu. Nếu dị vật rơi xuống sâu, trẻ có thể không ăn được, quấy khóc.
Theo PGS Hương, các trường hợp hóc dị vật đường ăn thường ít gây ra tình trạng thậm cấp đe dọa tính mạng tức thì như hóc dị vật đường thở. Tuy nhiên, dị vật không được lấy ra sau một thời gian ngắn (trong vòng 24h) sẽ gây nhiễm trùng ở đường ăn.
"Chúng ta biết đường ăn có rất nhiều vi khuẩn nên nhiễm trùng rất nhanh. Nhiễm trùng ở vùng cổ, vùng ngực rất dễ lan sang các cơ quan lân cận. Nhiễm trùng để muộn có thể dẫn tới viêm tấy vùng cổ sâu, viêm tấy trung thấp, thủng thực quản, thủng dạ dày. Nguy hiểm hơn, khi bị chèn ép, ổ mủ có thể vỡ ra tràn vào đường thở gây ngạt thở, đôi khi xương động vật hoặc dị vật sắc nhọn cũng có thể gây thủng mạch máu lớn như thủng động mạch chủ hoặc động mạch cảnh gây chảy máu ồ ạt dẫn tới tử vong", PGS Hương lý giải.
Do đó, PGS Hương nhấn mạnh rằng, khi bị mắc xương hay hóc các dị vật đường ăn, không áp dụng các mẹo chữa hóc tại nhà, mà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất, để được bác sĩ xử lý.