Những chuyến bay cấp cứu thắm tình quân dân
(Dân trí) - Giữa trùng khơi đầu sóng ngọn gió của tổ quốc, ngoài họa xâm lăng, tai nạn, bệnh tật luôn là mối đe dọa sinh mạng những người con anh dũng. Những chuyến bay cấp cứu như nhịp cầu nối với khơi xa, giúp quân dân ta vững tâm bám biển giữ trời.
Bảo vệ sinh mạng quân dân nơi biển đảo
Đang làm nhiệm vụ tại Trạm 610, Tiểu đoàn 551, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân, đảo Thổ Chu, ngày 11/9/2014 Trung úy, quân nhân chuyên nghiệp Lê Xuân Tùng (37 tuổi, quê Thanh Chương, Nghệ An) bị đau bụng dữ dội kèm nôn ói, tiêu chảy. Mặc dù đã được sơ cấp cứu tại chỗ nhưng tình trạng bệnh ngày càng diễn tiến nặng, nguy cơ đe dọa tính mạng. Để kịp thời cứu chữa cho người bệnh, ngày 13/9 được lệnh của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn Không quân 370 tổ chức chuyến bay cấp cứu, chuyển Trung úy Xuân Tùng từ đảo Thổ Chu về bệnh viện Quân Y 175 điều trị.
Sau chuyến bay, Thượng tá Ngô Vi Sơn, người lái chính của tổ bay chia sẻ: “Khi đang trên không phận vùng đảo Thổ Chu về đất liền chúng tôi gặp mưa to, gió lớn đe dọa an toàn bay. Tuy nhiên, anh em trong tổ bay đã phát huy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cứu người nên đã xử lý tốt mọi tình huống bảo đảm an toàn tuyệt đối trong suốt hành trình đưa bệnh nhân về đất liền thành công.”
Chia sẻ về ca bệnh trên, BS Trần Văn Thành, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện Quân Y 175 cho biết: “Bệnh nhân Xuân Tùng bị nhiễm trùng, nhiễm độc rất nặng, biến chứng suy đa tạng nghi do ngộ độc qua đường ăn uống. Sau 20 ngày tích cực điều trị tại bệnh viện, Trung úy Xuân Tùng đã được xuất viện trong niềm vui của gia đình và y bác sĩ.”
Gần đây nhất, sáng 27/12/2014 chị Phạm Thị Thơm (35 tuổi) sinh sống trên đảo Phú Quốc, khi đang trên đường đi làm chị bị côn trùng “lạ” đốt vào tay. Sau cảm giác ớn lạnh, chị ngã xuống đường bất tỉnh, được người dân phát hiện đưa vào bệnh viện Đa khoa Phú Quốc cấp cứu. Nhưng tình trạng bệnh diễn tiến nặng thêm, bệnh nhân rơi vào mê man. Trước tình huống khẩn cấp, tổ bay cấp cứu cùng các y bác sĩ bệnh viện Quân Y 175 tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, ngày 28/12 bệnh nhân đã được chuyển thành công về đất liền. BS Trương Thanh Tùng, bệnh viện Quân Y 175 cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp, viêm phổi… được chẩn đoán sốc phản vệ do côn trùng đốt.
Nhờ được điều trị tích cực tình trạng sức khỏe của chị Thơm đã bình phục rất tốt, các bác sĩ đã giải quyết triệt để tình trạng viêm phổi ở bệnh nhân trước khi cho chị xuất viện. Lâng lâng trong hạnh phúc của ngày đầu năm mới sau khi được cứu sống nhờ chuyển cấp cứu bằng máy bay vào đất liền, chị Thơm chia sẻ: “Sau khi gặp nạn, cùng với tình trạng bệnh ngày càng nặng tôi cảm thấy suy sụp về mặt tinh thần, sợ khó có thể qua khỏi để được gặp mặt chồng và hai đứa con nhỏ. Nhưng nhờ được Đảng và Nhà nước quan tâm cùng nỗ lực cứu chữa chăm sóc của các y bác sĩ đến nay tôi gần như đã khỏe mạnh hoàn toàn. Nơi biển đảo xa cách đất liền, điều kiện y tế và cuộc sống còn không ít khó khăn nhưng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước khiến người dân chúng tôi cảm thấy ấm lòng yên tâm bám biển, bám đảo để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”.
Mệnh lệnh “chiến đấu” thời bình
Theo thống kê của phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện 175 từ năm 2010 đến nay ngoài 2 ca cấp cứu kể trên, bệnh viện đã kết hợp với Quân chủng Phòng không Không quân thực hiện thành công 7 chuyến bay cấp cứu khác chuyển bệnh nhân từ biển đảo vào đất liền.
BS Trần Văn Thành chia sẻ: “Cẳng thẳng và kịch tính nhất là trường hợp 2 ngư dân Nguyễn Mỹ (43 tuổi) và Nguyễn Quế (45 tuổi) hôn mê do bị giảm áp khi lặn sâu được chuyển đến bệnh xá đảo Trường Sa lớn năm 2011. Khi sự sống của bệnh nhân đang đếm ngược từng phút, chuyến bay cấp cứu như phải chạy đua với tử thần để đưa thiết bị y tế và y bác sĩ chuyên môn sâu từ đất liền ra đảo. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng tôi đã cứu thành công bệnh nhân và đưa về đất liền điều trị phục hồi chức năng”.
Ngoài những chuyến bay cấp cứu, thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến từ bệnh xá đảo Trường Sa lớn, lực lượng Quân y đã thực hiện thành công nhiều cuộc phẫu thuật thương tích do tai nạn, viêm ruột thừa cấp, mổ đẻ… cho bộ đội và nhân dân. Hàng trăm y bác sĩ quân y có có trình độ chuyên môn giỏi cùng trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe sơ cấp cứu, điều trị ban đầu đã được tăng cường cho các đảo, cụm đảo độc lập xa đất liền. Trong những trường hợp vượt quá phạm vi chuyên môn, những chuyến bay cấp cứu đã và đang trở thành cứu tinh giúp quân dân ta yên tâm bám biển, giữ đảo.
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bệnh viện Quân Y 175, cho biết: “Nếu xét về mặt kinh tế, để thực hiện một chuyến bay cấp cứu thì chi phí rất tốn kém. Nhưng vật chất không thể đánh đổi được sinh mạng của con người. Chính vì thế, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân bệnh viện Quân Y 175 đã đào tạo một lực lượng chuyên nghiệp cho nhiệm vụ cấp cứu trên biển đảo. Mỗi khi nhận được lệnh điều động, cán bộ chiến sĩ quân y luôn xem đây là mệnh lệnh chiến đấu giữa thời bình, bất chấp hiểm nguy, luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao”
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, bên cạnh phương tiện cấp cứu hiện đại bằng máy bay, sự phát triển và hoàn thiện tuyến quân y trên các vùng biển đảo đã giải quyết tốt công tác sơ cấp cứu ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho y bác sĩ tuyến sau ra cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân về đất liền để tiếp tục chăm sóc, điều trị. “Thực tế việc cấp cứu trên biển đảo trong thời gian qua cho thấy, lực lượng quân y đã cứu được những ca bệnh rất nặng tưởng như đã tử vong đến mười mươi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyên môn cho công tác y tế biển đảo, sát cánh cùng quân và dân bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền nơi vách phên bờ dậu của tổ quốc.”
Vân Sơn