Những cái chết tức tưởi vì bị chó cắn

(Dân trí) - Sau hơn 1 tháng bị chó cắn, bé H.T.T.H (9 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ) trở nên sợ gió, sợ nước và tỉnh táo đến mức 2 ngày liền không hề chợp mắt. Hoảng hốt, gia đình đưa bé vào viện… nhưng cô bé đã không thể qua khỏi vì đã lên cơn dại.

Vết cắn định mệnh

Người nhà bé H cho biết, con chó cắn bé là chó quen. Trước đó một năm, bé cũng bị chính con chó này cắn một lần nhưng không sao. Vì thế, lần này, bé bị chó cắn vào đùi, gia đình cũng không nghĩ gì đến nguy cơ chó dại, chỉ chăm sóc vết thương ngoài. Vết thương đã lành lặn, liền da, mọi người cũng bẵng quên đi chuyện bé bị chó cắn.

Thế nhưng sau một tháng bị chó cắn thì bé có biểu hiện khác thường: sợ gió, sợ nước và rất tỉnh táo. Thấy con tỉnh đến 2 ngày không ngủ, rồi rất tỉnh táo nhưng khó thở, nói đứt quãng, có tiếng rít khi thở… gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

“Bé H được chuyển đến viện trong tình trạng rất tỉnh táo nhưng hoảng sợ, nói ngắt quãng, khó thở, co rít thanh quản. Bác sĩ hỏi em đều trả lời được nhưng trong trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, ánh mắt long lên…”, BS Thân Mạnh Hùng, Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ.

Sau 10 giờ nhập viện, các bác sĩ đành bất lực chấp thuận lời xin cho con về của gia đình bé, bởi lúc này, biểu hiện tim đã rời rạc, bé khó thở, thở rít… và không thể nào qua khỏi vì đã bị vi rút dại tấn công. Bố mẹ bé cũng đã khóc hết nước mắt, tức tưởi, muốn chết thay con bởi họ đã để con mình chết một cách oan uổng, chỉ vì một vết chó cắn.
 
Những cái chết tức tưởi vì bị chó cắn

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị một bệnh nhân mắc dại là một kỹ sư. Bị chó ở trên công trường cắn, bệnh nhân cũng không nghĩ đến nguy cơ bị dại, vẫn đi làm, sinh hoạt như bình thường. Mãi sau 3 tháng bị chó cắn, bệnh nhân cũng xuất hiện những dấu hiệu sợ nước, sợ gió, lên cơn co thắt thanh quản... Người kỹ sư này chia sẻ, anh quá chủ quan khi không nghĩ tới nguy cơ chó dại, vì thế, anh đã đề nghị các bác sĩ ghi hình ảnh của mình lúc lên cơn dại để có thể tuyên truyền, giúp những người khác không may bị chó cắn không bị rơi vào hoàn cảnh của mình. “Bi kịch của bệnh nhân dại là họ rất tỉnh táo, họ ý thức được mình sẽ chết bởi đã lên cơn dại thì không thể cứu chữa. Họ hối hận vì chủ quan không đi tiêm phòng thì đã muộn mằn, không thể làm lại được”, BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ.

Một bệnh nhân khác là anh L.V.T (37 tuổi xã Lộc Ích, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cũng được đưa đến viện khi đã có biểu hiện dại. Thế nhưng, các bác sĩ cũng không thể cứu giúp được trụ cột của cả một gia đình bởi vi rút dại đã tấn công. “Có những ca, gia đình và chính bệnh nhân quá tức tưởi, không thể chấp nhận được người thân của mình ra đi mãi mãi chỉ vì một vết chó cắn, đề nghị bác sĩ cố cứu chữa. Chúng tôi cũng cố hết sức, cho bệnh nhân thở máy, làm mọi thứ có thể nhưng cũng chỉ có thể duy trì thêm mười lăm, hai mươi ngày”, BS Hà Nói.

Bởi khi đã bị lên cơn dại, bệnh nhân vô cùng tỉnh táo nhưng bị kích thích, sợ nước, sợ tiếng gió thổi, ánh mắt long lanh vì sợ hãi. Có những trường hợp thì rét run nhưng lại vã mồ hôi đầm đìa. Người bị dại lên cơn khó thở vì co thắt thanh quản và bị chết vì suy hô hấp. Có những người bệnh dại là nam giới thì lên cơn cường dương, xuất tinh liên tục, xuất tinh cho đến chết.

Vắc xin dại và tính mạng một con người

BS Nguyễn Hồng Hà cho biết, khi bị chó mang vi rút dại cắn, thời gian ủ bệnh khác nhau ở mỗi người. Nhưng sớm nhất cũng phải 2 - 3 tuần mới bắt đầu có biểu hiện, có người ủ bệnh đến hàng năm mới lên cơn dại và khi đã lên cơn dại thì không có cách gì cứu sống người bệnh.

“Dại là bệnh lây từ động vật sang người do vi-rút và chó nhiễm bệnh là nguồn lây chủ yếu đối với người. Nếu không có bệnh dại trên đàn chó thì không có bệnh dại trên người. Vì thế, việc khống chế, kiểm soát tốt ở đàn chó thì sẽ làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh dại trên người.
 
Nếu không may bị chó dại cắn mà được tiêm phòng đúng phác đồ thì vẫn tránh được tử vong. Còn không tiêm phòng, khi đã lên cơn dại không có cách gì cứu sống người bệnh mà chỉ kéo dài sự sống được vài ngày.
 
Tại Việt Nam năm 2012, bệnh Dại đứng đầu bảng trong top 10 bệnh có số ca tử vong cao nhất với 98 ca tử vong”, BS Hà nói.
Việc phát bệnh khi bị chó dại cắn phụ thuộc vào vị trí cắn. Vị trí càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Ví như vị trí cắn vùng đầu mặt cổ nhanh hơn vùng chân, tay. Với những người bị chó cắn vùng đầu mặt cổ phải cố gắng tiêm sớm. Lúc này, nên tiêm cả huyết thanh kháng dại và vắc xin dại. Huyết thanh kháng dại là kháng thể để khống chế vi rút dại, cần dùng càng sớm càng tốt, trong vòng 12 giờ từ khi bị cắn, đưa kháng thể có sẵn vào để trung hòa vi rút dại và tiêm vắc xin dại.

“Tuy nhiên, nhiều người dân rất chủ quan khi bị chó cắn. Trong số các ca dại chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thì không ca bệnh nào có ý định đi tiêm phòng ngay khi bị chó cắn mà đều đợi theo dõi tình trạng con chó. Người dân nghĩ đơn giản, bị chó cắn, không biết có phải chó dại hay không, bỏ ra vài trăm nghìn đi tiêm rồi cả những nguy cơ về sức khỏe vì tiêm vắc xin dại (bị đồn thổi) khiến người ta e dè. Trong khi đó, việc chờ đợi, theo dõi sức khỏe con chó, xem nó có ốm, có bỏ ăn, có chết không rồi mới đi tiêm là rất nguy hiểm. Khi con chó đã ốm, chết thì không kịp trở tay, đi tiêm cũng đã muộn, bởi vi rút dại đã tấn công lên trung khu thần kinh trước đó”, BS Hà cảnh báo.

"Y học hiện nay chưa thể chẩn đoán được liệu một người bị chó cắn thì có bị dại hay không. Vì thế, nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì nên vừa tiêm phòng vừa theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày. Nếu đến lúc đấy mà con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm", thạc sĩ Hà nói.

Còn thực sự, vắc xin dại có những nguy cơ đến sức khỏe như người dân đồn thổi không? BS Hà khẳng định, trước đây Việt Nam sử dụng vắc xin dại sống nên cũng có tác dụng không mong muốn, nhưng tỉ lệ rất thấp. Vắc xin sử dụng hiện tại tốt hơn, tỉ lệ tác dụng không mong muốn càng ít đi (nhưng không phải không có), chỉ có một vấn đề là chi phí tiêm đắt đỏ hơn. Nhưng giữa vài trăm nghìn và tác dụng không mong muốn (với tỉ lệ vô cùng thấp) và tính mạng của cả một con người nếu không may mắc dại thì người dân nên cân nhắc đi tiêm phòng.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm