Những bệnh viện đi đầu trong chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới
(Dân trí) - Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện tuyến trung ương, tuyến trên đã tích cực chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực điều trị của các bác sĩ tuyến cơ sở. Trong đó, bệnh viện Bạch Mai và Tim Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực đáng ghi nhận.
Bệnh viện Bạch Mai: Tích cực trên từng mặt trận
Thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, ngay từ năm 2009, Bệnh viện Bạch Mai đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai đề án tới 8 bệnh viện vệ tinh, giai đoạn 2009 - 2013. Tiếp tục với mô hình này, năm 2013 Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Bạch Mai triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2015 ở 2 chuyên ngành là tim mạch và ung bướu.
Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Y tế tiếp tục giao cho Bệnh viện Bạch Mai làm bệnh viện hạt nhân có trách nhiệm xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh cho 23 bệnh viện ở các chuyên ngành: tim mạch, ung bướu, nội tiết, thần kinh, huyết học, hồi sức cấp cứu và chống độc.Các chuyên gia của BV Bạch Mai khảo sát tại BVĐK tỉnh Yên Bái.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, qua các giai đoạn triển khai, Đề án đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hàng trăm khung chương trình và tài liệu đào tạo đã được biên soạn, thẩm định và đưa vào sử dụng; hàng ngàn cán bộ y tế được nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; Hệ thống kết nối trực tuyến hoạt động hiệu quả thông qua các buổi hội chẩn thường quy hàng tuần, hội chẩn đột xuất và nhiều khóa đào tạo, hội thảo được thực hiện qua hệ thống trực tuyến này...
Bệnh viện cũng tổ chức chuyển giao tập trung tại Bệnh viện Bạch Mai 10 gói kỹ thuật thiết yếu và chuyên sâu cho 30 bệnh viện, qua đó, 111 học viên đã hoàn thành việc tiếp nhận và có thể chủ động triển khai kỹ thuật tại cơ sở. Hơn 100 cán bộ luân phiên là các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai - những người rất có kinh nghiệm - hỗ trợ cho 7 bệnh viện với tổng thời gian thực tế đi luân phiên 190 ngày.
Năm 2017, viện đã cử các bác sĩ chuyên ngành nội khoa, hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, xét nghiệm vi sinh, hóa sinh, huyết học... hỗ trợ chuyên môn tại các bệnh viện thuộc hệ thống chỉ đạo tuyến.
Cũng trong năm nay, Bệnh viện đã phát triển trang website đào tạo và chỉ đạo tuyến phục vụ học viên và các tuyến bệnh viện. Đặc biệt, đã tổ chức 4 hội thảo nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử bệnh viện; Phòng chống một số bệnh gây đột tử, tử vong nhanh và các bệnh thường gặp; xử trí sốc phản vệ; An toàn trong sử dụng và bảo dưỡng trang thiết bị với trên 1.000 người tham dự... Bệnh viện Bạch Mai cũng tổ chức hội chẩn trực tuyến hàng chục buổi cho hơn 7.000 cán bộ tham dự, trên 70 ca lâm sàng được thảo luận rút kinh nghiệm.
Ngày 20/9, Bệnh viện Tim Hà Nội đã tổ chức hội nghị chỉ đạo tuyến và kết quả bước đầu thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Bệnh viện Tim Hà Nội: Hỗ trợ 16 bệnh viện vệ tinh
Sauk hi được Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ hỗ trợ 16 bệnh viện vệ tinh thuộc Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, Bệnh viện Tim Hà Nội đã khảo sát thực trạng 16 bệnh viện vệ tinh này và đã tư vấn thành lập Khoa nội tim mạch tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng; tư vấn và hỗ trợ trang thiết bị cho Phòng cấp cứu tim mạch Bệnh viện đa khoa Hà Đông; tổ chức đào tạo lớp điện tâm đồ trong thực hành lâm sàng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên; chuyển giao kỹ thuật nội tim mạch cho 15/16 bệnh viện vệ tinh với 158 bác sĩ, 52 điều dưỡng; chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho 13/16 bệnh viện vệ tinh với số lượng cán bộ tiếp nhận kỹ thuật là 149 bác sĩ, 51 điều dưỡng. Một số đơn vị bước đầu có kết quả tốt như Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên…
Cùng với đó, Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện hơn 30 khóa đào tạo theo dự án của Bộ Y tế. Trong đó, từ tháng 1/2017 đến nay, bệnh viện đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật được 18 lớp về chuyên ngành tim mạch, bao gồm các gói kỹ thuật như cấp cứu tim mạch, siêu âm tim, điện tâm đồ trong thực hành lâm sàng, tim mạch can thiệp, kỹ thuật viên tim mạch can thiệp, điều dưỡng nội khoa tim mạch… với gần 80 học viên đã được cấp chứng chỉ.
Không chỉ vậy, Bệnh viện Tim Hà Nội còn thực hiện đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc” cho 500 học viên; đào tạo bác sỹ thực hành chuyên khoa tim mạch 18 tháng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đánh giá cao kết quả mà Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện và triển khai về chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.
Trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh gần 4.000, tỉnh hỗ trợ huyện 2.000, huyện hỗ trợ xã 3.000 lượt cán bộ. Chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt. Bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật. Trực tiếp khám chữa bệnh cho hơn 4.500.000 người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa lên tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao. Đáng nói là hơn 2.000 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 52 nghìn lượt cán bộ được nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật qua đó làm chủ được kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao. Thông qua hoạt động này đã góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên, nhất là các bệnh viện Trung ương trung bình khoảng 30% ở một số địa phương những loại bệnh này trước đây có tỷ lệ chuyển tuyến cao nay đã không còn người bệnh chuyển tuyến như ung bướu, chấn thương, tim mạch.