Những bất thường trên cơ thể cảnh báo chức năng thận suy giảm

Hà An

(Dân trí) - Suy thận mạn thường diễn biến âm thầm, nặng dần theo thời gian và không thể hồi phục. Trong giai đoạn đầu của bệnh, bạn có thể có ít dấu hiệu hoặc triệu chứng.

Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh suy thận (thận mạn) ở Việt Nam chiếm khoảng 10% dân số (hơn 10 triệu người mắc), với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm.

Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Suy thận gồm có suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận mạn thường diễn biến âm thầm, nặng dần theo thời gian và không thể hồi phục.

Điều trị bệnh tập trung vào việc làm chậm sự tiến triển của tổn thương thận, thường bằng cách kiểm soát nguyên nhân. Tuy nhiên, ngay cả việc kiểm soát nguyên nhân cũng có thể không ngăn được tổn thương thận tiến triển. Bệnh có thể tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối, gây tử vong nếu không lọc thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Những bất thường trên cơ thể cảnh báo chức năng thận suy giảm - 1

Suy thận mạn thường diễn biến âm thầm, nặng dần theo thời gian và không thể hồi phục (Ảnh minh họa: B.V).

Nguyên nhân dẫn đến suy thận 

Theo BSCKI Lương Minh Tuyến, Phó Trưởng khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), bệnh suy thận có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, suy thận cấp được chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính gây suy thận gồm trước thận, tại thận, sau thận. 

Nhóm bệnh nhân trước thận gồm các nhóm nguyên nhân gây giảm dòng máu tới thận, khiến chức năng lọc suy giảm như mất nước do nắng nóng, tiêu chảy nôn nhiều. Nhóm nguyên nhân tại thận gây hoại tử ống thận, giảm chức năng của thận như nhiễm trùng, nhiễm độc…

Suy thận sau thận do các nguyên nhân tắc nghẽn đường tiểu gây ứ nước tiểu, giãn đài bể thận và suy thận, thường gặp trong các bệnh lý sỏi tiết niệu, ung thư, phì đại tiền liệt tuyến… 

Trong khi đó, suy thận mạn là quá trình chết các tế bào nephron từ từ, do nhiều nguyên nhân như viêm cầu thận, các bệnh lý tim mạch nội tiết (tăng huyết áp, đái tháo đường), các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, xơ cứng bì…, các bệnh lý di truyền (gan thận đa nang…). 

Dấu hiệu của suy thận

Dấu hiệu suy thận dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác ở đường tiết niệu. Do đó, người dân cần có kiến thức nhận biết sớm để chủ động thăm khám, nhận sự tư vấn và điều trị kịp thời, đúng cách, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.

Những dấu hiệu của suy thận gồm:

- Triệu chứng về da

Ở bệnh nhân suy thận, da thường sạm đen, xỉn màu do lắng đọng nhiều chất độc và sắt. Bệnh nhân có thể kèm theo dấu hiệu của thiếu máu nên da thường xanh sạm, nhợt nhạt, thiếu sức sống.

- Triệu chứng của thiếu máu

Suy thận gây thiếu máu mạn tính nên bệnh nhân có những triệu chứng của thiếu máu như da xanh niêm mạc nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi khi làm việc.

- Triệu chứng của tăng ure máu

Bệnh nhân có triệu chứng hơi thở ure, ăn kém và chán ăn, người mệt mỏi, đôi khi đau đầu, buồn nôn, người nôn nao chóng mặt

- Triệu chứng của tăng huyết áp

Bệnh nhân suy thận thường có tăng huyết áp kèm theo, hay có cơn tăng huyết áp, huyết áp thường cao > 180mmHg, đáp ứng kém với thuốc hạ áp.

- Triệu chứng phù

Đây là một trong những nguyên nhân hay gặp trong suy thận cấp và các đợt cấp của suy thận mạn. Bệnh nhân đi tiểu số lượng ít kèm theo có phù vùng thấp. 

Ngoài ra bệnh nhân suy thận còn nhiều triệu chứng không điển hình như đau xương khớp, đau hố thắt lưng 2 bên … 

Do chưa nhận thức đầy đủ về bệnh nên không ít trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý suy thận ở giai đoạn nặng mới nhập viện. Khi đó, người bệnh đã xuất hiện tình trạng phù các bộ phận trên cơ thể như mắt, chân và tay..., nguy hiểm đến tính mạng do thận giảm khả năng loại bỏ nước và muối. 

Tương tự, theo Mayo Clinic, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm. Mất chức năng thận có thể gây ra sự tích tụ chất lỏng hoặc chất thải cơ thể hoặc các vấn đề về điện giải. 

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, việc mất chức năng thận có thể gây ra buồn nôn, nôn mửa, ăn mất ngon, mệt mỏi và yếu đuối, các vấn đề về giấc ngủ, đi tiểu nhiều hay ít, tinh thần suy giảm, chuột rút cơ bắp, sưng bàn chân và mắt cá chân, da ngứa khô, tăng huyết áp khó kiểm soát, khó thở nếu chất lỏng tích tụ trong phổi, đau ngực, nếu chất lỏng tích tụ quanh màng tim

Bạn có thể không nhận ra mình mắc bệnh cho đến khi bệnh tiến triển. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận thường không đặc hiệu. Điều này có nghĩa là chúng cũng có thể do các bệnh khác gây ra.

Vì thận của bạn có thể bù đắp cho chức năng bị mất nên bạn có thể không phát triển các dấu hiệu và triệu chứng cho đến khi xảy ra tổn thương không thể phục hồi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm