Nhìn dịch mũi đoán bệnh

Khi mũi bị bệnh, chúng cũng có những dấu hiệu cảnh báo trước cho bạn biết rằng đây là bệnh nặng hay nhẹ. Dấu hiệu đầu tiên là dịch chảy ra từ một hoặc cả hai lỗ mũi.

Bình thường, mũi thở êm dịu, khô ráo. Chỉ thỉnh thoảng, những chất bẩn từ không khí vào mũi được các tế bào lông chuyển đưa ra phía sau họng nên có thể gây cảm giác hơi vướng, được bạn khịt xuống họng rồi khạc ra ngoài, chất dịch chỉ có màu trắng trong, không mùi.

 

Nếu cả hai hốc mũi có dịch trong nhầy, mùi tanh thì đó là hiện tượng viêm xuất tiết của mũi. Bạn chỉ cần rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% ấm, bệnh thường khỏi sau 2-3 ngày.

 

Nếu nước mũi chuyển sang dịch vàng hoặc xanh, mùi tanh, hôi tức là mũi đã bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm mốc. Lúc này thường phải dùng kháng sinh (kháng sinh diệt khuẩn hay kháng sinh chống nấm) tại chỗ hoặc toàn thân, bệnh sẽ hết sau 7-10 ngày. Nếu tình trạng bệnh không chuyển biến sau thời gian đó, phải xem xét khả năng viêm xoang. Nên đến bác sĩ tai mũi họng.

 

Nếu dịch mũi vàng, xanh chảy ra ở một bên mũi, mùi thối, có thể bạn đã bị viêm xoang do răng, dị vật nằm trong mũi, ung thư mũi xoang... Cần đến ngay cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để vừa điều trị mũi xoang, vừa điều trị răng hoặc lấy dị vật ra khỏi mũi, bệnh mới khỏi.

 

Nếu dịch mũi chảy ra có lẫn máu, đặc biệt là lờ lờ máu cá, đôi khi xì mũi ra cả những mảnh tổ chức hoại tử mùi hôi; bệnh nhân ngoài 40 tuổi, có tiền sử nghiện rượu hoặc thuốc lá, làm việc ở những nơi có nhiều bụi công nghiệp, hơi hóa chất độc hại: Có thể là bệnh lý ác tính vùng mũi xoang. Phải đến ngay các cơ sở chuyên sâu về tai mũi họng.

 

Theo ThS. Phạm Bích Đào

Sức Khỏe & Đời Sống