1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều trẻ nhỏ bị bỏng sâu vì không được cởi ngay quần áo ngấm nước nóng

(Dân trí) - Trời rét, nhiều trẻ bị bỏng vì người lớn bất cẩn, đổ nước nóng vào chậu mà không pha trước nước lạnh, để bát canh trong tầm với của trẻ... Nhưng điều đáng nói là nhiều trẻ bị bỏng nặng vì quần áo ngấm nước nóng nhưng không được cởi ra ngay.

Tắm nước nóng, bị bỏng nặng

Hiện tại khoa Bỏng trẻ em, Việt Bỏng quốc đang điều trị khoảng 44 bé bị bỏng. Trong đó, đa phần bị bỏng nước sôi do bất cẩn của người lớn khi pha nước tắm, nấu nướng...

Chị Ma Thị Dỉnh (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) vừa kể về tai nạn bỏng của con, vừa khóc vì quá hối hận, chỉ vì một chút bất cẩn mà làm con khổ.

“Trời rét, cả tuần tôi mới dám tắm cho con một lần. Hôm đó, thấy con ngứa ngáy khó chịu quá, tôi mới tắm cho con. Vừa quay người sau khi đổ phích nước ra thì nghe tiếng con thét. Quay lại đã thấy hai tay con chống vào chậu nước sôi”, chị Dỉnh kể.

Thấy 2 tay áo len nước chảy ròng ròng vẫn còn bốc hơi, cuống quá, chị vội lột áo con ra khiến toàn bộ da ở hai cẳng tay bé bị trợt.

“Bình thường, tôi đều lấy nước lạnh trước xong mới đổ nước nóng vào. Lần này đổ nước từ phích ra trước là để nấu thêm phích nữa nấu”, vừa nhìn con, chị Dỉnh vừa khóc nói.

Thấy hai cẳng tay con bị trợt da, chị cũng vội vàng xả nước lạnh ngâm nhưng nước lạnh buốt, chị không dám ngâm lâu sợ con ốm, chỉ ngâm 1 - 2 phút rồi vội bôi mỡ trăn, đưa con ra bệnh viện huyện và được chuyển đến Viện Bỏng quốc gia.

Còn trường hợp của 1 bệnh nhi 14 tháng tuổi lại do với vào bát canh nóng mẹ mẹ vừa đặt trên bàn. “Nhà có việc, bê bát canh nóng vừa nấu xong để lên trên bàn cao, không ngờ bé với tay kéo bát canh khiến canh đổ vào cằm, rồi đổ xuống cả cổ tay con. Thấy con khóc thét, biết con bị bỏng nhưng không nghĩ nước chảy nhanh vậy, chảy vào tận trong ngực trong khi mình chỉ ngâm bàn tay con vào nước lạnh, khiến bé bị bỏng sâu vùng ngực”, chị L., mẹ của bệnh nhi 14 tháng tuổi (Vĩnh Phúc) đang điều trị tại khoa Bỏng trẻ em cho biết.

Bỏng rất nguy hiểm với trẻ em

Theo ThS. Nguyễn Băng Tâm, Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia, trẻ nhỏ đang ở lứa tuổi hiếu động, nghịch ngợm, tò mò lại chưa ý thức được sự nguy hiểm nên càng có nguy cơ bị bỏng. Và trong số trẻ đang nằm viện vì bỏng nhiệt, nước sôi chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi. Đáng nói, vì là mùa đông rét mướt, các bé mặc nhiều quần áo nên khi bị bỏng, quần áo bị ngấm nước nóng không cởi ra được ngay nên gây bỏng sâu cho trẻ.

TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng Quốc gia cho biết, thống kê tại bệnh viện cho thấy, có tới 60% bệnh nhân bỏng phải nhập viện là trẻ em, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn, không để ý của người lớn khiến bé bị bỏng nước sôi, bỏng điện, bỏng cháo… Trong những giờ gia đình hay chuẩn bị bếp núc là giờ trẻ hay bị bỏng nhất, do các gia đình bận bịu cơm nước, không để ý đến các cháu, đặt nước canh nóng… trong tầm với của trẻ.

Như những trẻ bỏng do tắm, rõ ràng là không phải lỗi của các cháu mà do sự sơ xuất của người lớn. Vì thế, khi pha nước tắm cho trẻ thì chú ý pha nước lạnh trước rồi mới pha nước nóng. Hãy chuẩn bị nước tắm xong xuôi thì mới cho trẻ vào tắm.

Trong khi đó, bỏng trẻ em rất nguy hiểm, bởi không chỉ gây đau đớn, trẻ bị bỏng có tỷ lệ tử vong rất cao. Chỉ cần bỏng 3% (diện tích bằng vài ngón tay), nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng vết bỏng và dẫn đến tử vong. Vì thế, người lớn cần luôn để mắt đến trẻ, chú ý sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng để giảm nguy cơ bé bị bỏng.

Khi trẻ bị bỏng cần loại bỏ tác nhân gây bỏng bằng cách: bế trẻ khỏi nồi thức ăn sôi, bàn là, ống bô nóng... và gạt bỏ bớt các chất gây bỏng này bằng cách ngâm vùng bỏng vào nước mát, sau đó dùng gạc y tế quấn nhẹ vết bỏng, đưa bệnh nhân đến thẳng bệnh viện. Tuyệt đối không bôi các chất như kem đánh răng, mỡ chăn, nước mắm… lên vết bỏng.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm