Nhiều thực phẩm chế biến sẵn chứa đầy phẩm màu
Một số sản phẩm ngũ cốc và bánh kẹo chứa lượng phẩm màu nhân tạo cao hơn nhiều so với mong đợi của các bậc cha mẹ, và điều này có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Ở Mỹ, các công ty thực phẩm và đồ uống vẫn công bố về thành phần các chất tạo màu nhân tạo trên nhãn sản phẩm, nhưng lại không công bố hàm lượng cụ thể.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy một số trẻ em có thể mẫn cảm với phẩm màu nhân tạo hoặc các chất bảo quản thường đi kèm với nó. Phẩm màu đã được thấy là có liên quan với giảm chú ý và tăng động.
Trong nghiên cứu mới đây tiến hành tại Trường Đaị học Purdue, bang Indiana, Mỹ, các nhà nghiên cứu đã mua và kiểm nghiệm những thực phẩm chế biến sẵn thông dụng nhất để tìm hiểu về hàm lượng phẩm màu nhân tạo trong các sản phẩm.
“Có rất ít sản phẩm bổ dưỡng trong số này”, các tác giả nghiên cứu cho biết. Trẻ em có thể ăn nhiều những thực phẩm chứa hàm lượng cao các chất tạo màu, vì màu sắc sặc sỡ hấp dẫn trẻ.
Trong số các loại ngũ cốc ăn sáng, Fruity Cheerios, Trix và Cap'n Crunch's OOPS! All Berries có chưa nhiều phẩm màu nhân tạo nhất, với lượng tương ứng là 32, 36 và 41 mg trong mỗi phần ăn.
Những sản phẩm ngũ cốc này cũng có hàm lượng đường cao nhất. Cap'n Crunch's OOPS! All Berries chứa 15g đường trong mỗi phần ăn.
Phần lớn những loại ngũ cốc nhiều màu sắc này có chứa Red #40, Yellow #6, Yellow #5 hoặc Blue #1, những phẩm màu nhân tạo phổ biến nhất. Nhưng một số loại, như Special K Red Berries và Berry Berry Kix, được tạo màu bằng dâu tây hoặc nước quả và không chứa phẩm màu nhân tạo.
Rất nhiều phẩm màu nhân tạo được chiết xuất từ dầu mỏ.
Kẹo, bánh và kem màu phủ bánh cũng chứa lượng lớn phẩm màu nhân tạo. Một phần sô cô la sữa M&M's Milk Chocolate chứa gần 30mg phẩm màu nhân tạo, còn một túi Skittles có 33mg.
Trước đó, vào tháng 9/2013, nhóm nghiên cứu cũng đã công bố một nghiên cứu tương tự về đồ uống và thấy rằng phẩm màu trong các đồ uống rất khác nhau. Một số loại sô đa không màu, như Sprite, không có phẩm màu, trong khi Kool-Aid Burst Cherry chứa hơn 52mg phẩm màu trong mỗi phần.
Nhìn chung, thực phẩm và đồ uống màu sắc càng rực rỡ thì càng chứa nhiều phẩm màu. Nhưng có những thực phẩm màu trắng vẫn chứa nhiều phẩm màu, ví dụ như kẹo dẻo.
“Phẩm màu cũng có mặt trong các thuốc dùng cho nhi khoa, sản phẩm chăm sóc cá nhân, nước súc miệng và kem đánh răng”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Cũng có những loại phẩm màu tự nhiên, nhưng chúng thường không chịu được nhiệt, quá trình chế biến và ánh sáng.
Một số trẻ bị mẫn cảm nhiều hơn với phẩm màu
Nhiều nghiên cứu về phẩm màu nhân tạo và các rối loạn hành vi đã được tiến hành từ hàng chục năm trước và sử dụng liều thấp hơn liều mà trẻ em hiện nay thực sự ăn vào, theo Joel Nigg, người đã nghiên cứu về rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) tại Trường Đại học Y tế và Khoa học Oregon, Portland, Mỹ
“Một số trẻ phản ứng với lượng phẩm màu cao bằng những biểu hiện như kém chú ý, tăng động, kích thích, cáu gắt hoặc khó ngủ. Những rối nhiễu hành vi này không biểu hiện ở tất cả các trẻ, mà thường hay gặp hơn ở những trẻ vốn đã có vấn đề về hành vi, như trẻ bị ADHD”.
Trong một tổng kết các liên cứu về mối liên quan giữa phẩm màu và chất bảo quan trong thực phẩm với các rối loạn hành vi, Nigg thấy rằng khoảng 8% số trẻ bị ADHD có những triệu chứng liên quan đến các phụ gia tạo màu thực phẩm.
Các nhà nghiên cứu khuyên các bậc cha mẹ nên tuyệt đối tránh các phẩm màu nhân tạo. “Chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng ngoại trừ vitamin và muối khoáng, phần lớn các chất tạo màu nhân tạo không bổ béo gì. Các bậc cha mẹ sẽ chẳng mất mát gì nhiều khi tránh những thực phẩm chế biến sẵn này”.
Cẩm Tú
Theo Asiaone