Nhiều thách thức trong sử dụng thuốc với bệnh nhân lọc máu
(Dân trí) - Lọc máu đem lại nhiều giá trị với bệnh nhân phải hồi sức. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn của phương pháp này là thuốc bị lọc khỏi cơ thể.
Tối ưu hóa sử dụng thuốc ngày càng quan trọng
Phương pháp lọc máu liên tục ra đời từ năm 1977 đã đưa chuyên ngành Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc lên một bước tiến mới, giải quyết được nhiều tình huống khó như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ARDS,…
Tuy nhiên, cho đến nay, khuyến cáo từ y văn về cách cá thể hóa liều thuốc cho bệnh nhân lọc máu vẫn rất hạn chế và chưa rõ ràng.
Trong khi đó, bệnh nhân nặng lọc máu liên tục có rất nhiều thay đổi về dược động học dẫn đến mức liều thường dùng không còn phù hợp và nguy cơ bệnh nhân không đạt được hiệu quả điều trị, khi liều thấp hoặc gặp phải độc tính do liều cao.
Tại Hội thảo Dược lâm sàng 2023 với chủ đề "Tối ưu hóa sử dụng thuốc trên bệnh nhân lọc máu: Cơ hội và thách thức" do Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tổ chức, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã có những chia sẻ và trao đổi về phương pháp cá thể hóa chế độ liều thuốc ở bệnh nhân lọc máu.
Đây là hội thảo thường niên của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phối hợp với các giảng viên cao cấp của Trường đại học Dược Hà Nội và một số tổ chức quốc tế.
Theo TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vấn đề sử dụng thuốc trên đối tượng bệnh nhân đặc biệt: bệnh nhân hồi sức tích cực, cần lọc máu, còn rất nhiều khó khăn trong điều trị và hiệu chỉnh liều thuốc.
Do đó, trong hội thảo, các kinh nghiệm, những tiến bộ mới nhất về dược lâm sàng sẽ được trình bày, giới thiệu, thảo luận, phân tích sâu, để các đơn vị có thể cập nhật và áp dụng ngay trong việc điều trị cho người bệnh.
DSCKII Nguyễn Thị Dừa, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhận định, bệnh nhân lọc máu sẽ dẫn đến thay đổi rất nhiều về dược động học và dược lực học của thuốc. Chính vì vậy, việc tối ưu hóa liều theo cá thể hóa là hết sức cần thiết.
"Tối ưu hóa sử dụng thuốc sẽ ngày càng quan trọng, đặc biệt là việc cá thể hóa liều khi mỗi bệnh nhân có mức độ chuyển hóa khác nhau. Đây là việc cần sự phối hợp chặt chẽ đa ngành: dược sĩ, bác sĩ và xét nghiệm", DS Dừa nhấn mạnh.
Lọc máu đặt ra nhiều thách thức trong sử dụng thuốc
Chia sẻ về thực tế lâm sàng, PGS.TS Đặng Quốc Tuấn, Trung tâm Hồi sức - Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, việc điều chỉnh liều với bệnh nhân lọc máu là một thách thức lớn.
"Lọc máu đem lại nhiều giá trị với bệnh nhân phải hồi sức. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn của phương pháp này là thuốc bị lọc khỏi cơ thể. Vì máu được lọc liên tục nên sẽ không biết được thuốc sẽ như thế nào. Đây là vấn đề rất nan giải được đặt ra", PGS Tuấn chỉ rõ.
Theo chuyên gia này, nhiều yếu tố trong lọc máu có thể tác động đến thuốc. Trong khi đó, nếu nồng độ thuốc không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Khó khăn hơn nữa khi với mỗi cơ chế lọc máu lại có tác động khác nhau với thuốc. Ví dụ với lọc đối lưu có thể lọc ra cả các phân tử nhỏ và phân tử tương đối lớn. Trong khi đó, với cơ chế khuếch tán thì chỉ lọc những phân tử có trọng lượng thấp.
"Lượng thuốc bị lọc ra ở hai loại lọc máu này sẽ khác nhau nên chúng ta cần phải lưu ý trong điều trị", PGS Tuấn nhấn mạnh.
GS.TS. Linda Awdishu, Trưởng khoa Dược lâm sàng, Trường Dược Skaggs, Đại học California (Hoa Kỳ) cũng đã có những chia sẻ về cân nhắc liều dùng thuốc ở bệnh nhân tổn thương thận cấp và trị liệu thay thế thận.
Theo GS Linda, chỉ có dưới 20% các loại thuốc lưu hành hiện nay được nghiên cứu các đặc điểm dược động lực học trên quần thể bệnh nhân trị liệu thay thế thận.
Trong khi đó, nhiều thay đổi trong cơ thể của các bệnh nhân phải lọc máu liên tục do suy thận sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thuốc.
Điển hình là sự thay đổi trong quá trình hấp thu như: Thay đổi thời gian hấp thu tại đường tiêu hóa, thay đổi pH dạ dày, nôn và tiêu chảy, teo ruột do nhịn ăn uống qua đường miệng, rối loạn nhu động ruột, hấp thu thuốc qua tiêm dưới da bị chậm lại do phù nề.
Các thay đổi trong quá trình phân bổ có thể kể đến như: quá tải dịch dẫn đến tăng thể tích phân bổ của các thuốc thân nước, hạ albumin máu và thoát dịch ngoại bào, tăng ure máu làm thay đổi cấu trúc vị trí liên kết của albumin với thuốc.
"Việc tính nồng độ thanh thải nội tại của thận và tốc độ dịch thải trong trị liệu thay thế thận, được chuẩn hóa theo mức độ liên kết protein-thuốc, là bước đầu tiên để tính độ thanh thải của thuốc", GS Linda phân tích.
Các kiến thức về theo dõi nồng độ vancomycin trong máu ở bệnh nhân trị liệu thay thế thận cũng đã được GS. Jennifer Le, Giám đốc giáo dục trải nghiệm Dược lâm sàng, Đại học California, Hoa Kỳ chia sẻ tại hội thảo.