Nhiều nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Đồng 2 bị "mất oan" tiền chống dịch?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Các kỹ thuật viên lo việc chụp X-quang, chẩn đoán hình ảnh cho rằng mình trực tiếp đối diện với F0 mỗi ngày nhưng bị xếp hưởng mức tiền chống dịch như người trực vòng ngoài là bất công, không phù hợp.

Mới đây, PV Dân trí nhận phản ánh bức xúc từ nhiều kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh tham gia chống dịch tại Bệnh viện (BV) dã chiến số 11 (do BV Nhi Đồng 2, TPHCM quản lý) về việc cho rằng bị tính phụ cấp chống dịch thấp, không đúng với quy định Chính phủ ban hành.

Chụp X-quang cho F0, nhận hỗ trợ như công an

Kể với PV, chị Minh (tên đã thay đổi) - một trong số những người phản ánh cho biết, từ đầu đợt bùng dịch thứ 4, chị đã tham gia chống dịch tại khu cách ly Covid-19 của ký túc xá Đại học quốc gia TPHCM. Đến khi tình hình căng thẳng, vào tháng 7 chị được điều động về BV dã chiến số 11.

Nhiều nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Đồng 2 bị mất oan tiền chống dịch? - 1

Bệnh viện dã chiến số 11 ở TPHCM những ngày còn hoạt động (Ảnh: BSCC).

Thời gian đầu, nữ nhân viên y tế trực tiếp lo việc chăm sóc, điều trị các F0. Đến giữa tháng 9, chị được chuyển về khoa chẩn đoán hình ảnh, cùng với 4 kỹ thuật viên khác đảm nhận nhiệm vụ chụp X-quang cho các bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày.

Tuy nhiên đến khi được chuyển tiền hỗ trợ chống dịch theo Nghị quyết 145 của Chính phủ, tất cả đều bất ngờ khi chỉ nhận được mức 225.000 đồng/ngày cho thời gian làm nhiệm vụ ở khoa chẩn đoán hình ảnh. Lý do theo các kỹ thuật viên là vì người phụ trách chấm công, xếp họ vào nhóm tiếp xúc gián tiếp với bệnh nhân.

"Chúng tôi có hỏi tiếp xúc gián tiếp làm sao có thể chụp X-quang được, thì được phản hồi chụp xong rồi đi ra nên không tính là trực tiếp" - chị Minh nói.

Theo nhóm kỹ thuật viên, người chấm công cho rằng nếu chiếu theo nội dung của Nghị quyết 145 do Chính phủ ban hành ngày 19/11, chỉ có nhân viên trực tiếp chăm sóc F0 mới được tính mức cao nhất (450.000 đồng/ngày). Còn các kỹ thuật viên chụp X-quang không được nêu cụ thể ở mục nào, do đó "tạm" xếp vào nhóm 4 (nhận 225.000 đồng/ngày như công an, quân đội phục vụ ở khu thu dung, điều trị Covid-19).

Cho rằng việc nhận tiền ở mức trên là bất hợp lý, nhóm kỹ thuật viên phản ánh lên phòng Tổ chức cán bộ. Ngày 27/12, một cuộc họp giữa lãnh đạo phòng Tổ chức cán bộ BV Nhi Đồng 2, lãnh đạo khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Dã chiến số 11 và các kỹ thuật viên chụp X-quang diễn ra.

Nhiều nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Đồng 2 bị mất oan tiền chống dịch? - 2

Nhân viên y tế chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân tại BV dã chiến số 11 (Ảnh: BV Nhi Đồng 2).

Trong cuộc họp, các kỹ thuật viên có dẫn một bài viết từ Báo điện tử Chính phủ khẳng định, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ chụp cắt lớp vi tính, chụp chiếu X-quang, siêu âm tại giường cho bệnh nhân Covid-19 sẽ được hưởng chế độ ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, bà K.H., Phó phòng Tổ chức cán bộ và là người quản lý việc chấm công hỗ trợ chống dịch cho rằng thông tin trên "không chính thống".

Khi nhóm kỹ thuật viên tiếp tục lý giải, về công việc họ phù hợp với nhóm "chẩn đoán" người mắc Covid-19, bà H. phản hồi chỉ có bác sĩ mới nằm trong nhóm này.

Ngoài khoản tiền trên, một số kỹ thuật viên cũng chỉ nhận 4.5 triệu đồng tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của HĐND TPHCM vì được xếp vào "lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp".

Sau cuộc họp, dù BV hứa hẹn sẽ rà soát lại, tuy nhiên nhóm kỹ thuật viên cho rằng sẽ khó có sự thay đổi và đã bị chấm sai. Có người bị chấm 9 tuần theo mức như trên, mất hơn 14 triệu đồng công sức chống dịch.

"Bệnh viện cho còn không hết, hạ tiền để làm gì"

PV đã liên hệ với lãnh đạo BV Nhi Đồng 2 để tìm câu trả lời cho sự việc. bà Phan Thị Hồng Lệ, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của BV xác nhận đã có cuộc họp xoay quanh vấn đề chi tiền chống dịch cụ thể cho các kỹ thuật viên phụ trách việc chụp X-quang F0.

Theo bà Lệ, lúc đầu khi mới thành lập, BV dã chiến số 11 rất thiếu nhân lực, phải điều mọi người ở nhiều khoa vào chăm sóc, điều trị hết. Sau đó khi nhân sự ổn định, các nhân viên y tế được sắp xếp lại theo đúng chuyên môn.

Khi nghe PV chia sẻ về việc qua khảo sát, một số BV ở TPHCM xếp kỹ thuật viên chụp X-quang cho F0 vào nhóm thực hiện công việc trực tiếp để chi trả mức cao nhất, bà Lệ cho rằng việc chi tiền hỗ trợ theo mức nào còn phụ thuộc vào nhiệm vụ và mức độ công việc cụ thể.

Việc chấm công do điều dưỡng trưởng, trưởng khoa hoặc trưởng từng khu thực hiện. Phòng Tổ chức cán bộ sẽ căn cứ vào đó để định mức hỗ trợ cho nhân viên chống dịch.

Nhiều nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Đồng 2 bị mất oan tiền chống dịch? - 3

Đại diện BV Nhi Đồng 2 cho biết chi tiền phụ cấp chống dịch cho nhân viên dựa trên nhiệm vụ và mức độ công việc cụ thể (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo bà Lệ, có những trường hợp trước đó làm công tác chăm sóc, điều trị trực tiếp F0 chuyển về phòng hành chánh. Hoặc có trường hợp chỉ làm theo ca, sau đó về khoa làm chứ không túc trực với bệnh nhân Covid-19. Đã có những trường hợp tại BV là bác sĩ CK2 nhưng khi sang cơ sở thu dung, dã chiến được phân làm nhiệm vụ hành chính vẫn chỉ hưởng mức gián tiếp.

"BV lo cho nhân viên của mình còn không hết thì hạ tiền để làm gì. Nhưng nếu có một người làm liên tục, một người làm theo từng ca bệnh rồi về mà chi như nhau thì cũng không công bằng" - bà Lệ nói.

Cũng theo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ BV Nhi Đồng 2, sau cuộc họp, BV ghi nhận ý kiến của các kỹ thuật viên và khẳng định sẽ rà soát lại, đồng thời xin ý kiến Ban Giám đốc và Sở Y tế TPHCM để chờ hướng dẫn cụ thể. Nếu có việc chi thiếu sót, chưa đúng quy định sẽ chi bổ sung ngay.

"Chắc chắn không có chuyện cắt xén. Tôi đã nhờ chị H. phó phòng coi lại thật kỹ hồ sơ bệnh án để nắm công việc cụ thể của kỹ thuật viên nhằm chi cho đúng" - bà Lệ thông tin.

Đại diện phòng Tài chính kế toán, BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), đơn vị đang quản lý BV dã chiến số 3 và BV điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2 cho biết, Nghị quyết 16 quy định nhóm hưởng mức hỗ trợ cao nhất là lực lượng làm công việc trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân Covid-19. Nếu chiếu theo văn bản pháp quy thì chỉ có bác sĩ được nhận mức này, vì hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên nằm ở khối chăm sóc.

Nhưng với BV, ngoài pháp lý thì còn xét phải về mặt "tình", vì các nhân viên y tế đều phải tham gia chống dịch cực khổ, đối diện F0 như nhau. Do đó ngay từ đầu, BV đã xếp kỹ thuật viên chụp X-quang, chẩn đoán hình ảnh cho F0 vào nhóm tiếp xúc trực tiếp để hưởng mức hỗ trợ 300.000 đồng/ngày.

Ngày 19/11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 145 bổ sung khối chăm sóc vào nhóm 1 và nâng mức phụ cấp cao nhất lên 450.000 đồng/ngày từ 1/8, giúp BV "gỡ khó" trong việc chi tiền hỗ trợ chống dịch.