Nhiều người gặp họa bất ngờ khi uống thuốc: Lời cảnh báo từ bác sĩ
(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, đã có nhiều trường hợp gặp tai nạn khi uống thuốc nhưng chủ quan không tới bệnh viện để xử lý sớm, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Mới đây, ông N.V.L. (51 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) phải cầu cứu bác sĩ vì một tai nạn oái oăm.
Theo lời kể của bệnh nhân, khi đang uống thuốc, ông vô tình nuốt phải... hàm răng giả từ miệng xuống bụng. Thấy khó chịu, người đàn ông đã nhanh chóng đi bệnh viện kiểm tra.
Sau khi thăm khám kỹ lưỡng và nghe thông tin bệnh sử, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân nội soi kiểm tra, qua đó phát hiện một khung răng giả có móc kim loại, chiều dài khoảng 38mm trong lòng dạ dày. Do dị vật va chạm với ruột, bệnh nhân có kèm theo loét nông 1/3 dưới thực quản.
Bác sĩ chuyên khoa Nội soi đã nhanh chóng tiến hành thủ thuật lấy dị vật thành công, giúp bệnh nhân bớt khó chịu ngay sau can thiệp. Người đàn ông được chuyển vào khoa để tiếp tục theo dõi tình trạng tổn thương thực quản.
Theo các bác sĩ, đây là trường hợp hóc dị vật lớn, nguy cơ thủng, rách thực quản cao và có thể gây chèn ép, tắc nghẽn đường tiêu hóa. Trong trường hợp dị vật xuống sâu ở đoạn xa ruột non, nếu xử lý trễ, bệnh nhân có thể sẽ phải chịu đựng một cuộc phẫu thuật để lấy dị vật.
Tương tự, trong lúc bà H. (79 tuổi, quê Long An) đang uống thuốc, hàm răng giả không may bị rớt ra, khiến bà nuốt trôi vào thực quản. Khi gia đình đưa vào bệnh viện ở TPHCM cấp cứu, cụ bà được các bác sĩ tiến hành nội soi, lấy ra dị vật dài khoảng 4cm có nhiều cạnh sắc nhọn, nằm chắn ngang 1/3 giữa thực quản của bệnh nhân.
Còn tại Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM), chỉ trong ít ngày đã có 3 trường hợp lớn tuổi nhập viện vì thủng ruột, nhiễm trùng ổ bụng, sau khi nuốt phải vỉ thuốc. Có trường hợp thủng hồi tràng nhiều vị trí, gây nhiễm trùng huyết nặng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Thảo, chủ nhiệm khoa Ngoại bụng của bệnh viện, điểm chung của 3 trường hợp nêu trên là việc bệnh nhân đã lớn tuổi, nhiều bệnh nền cần uống nhiều loại thuốc điều trị hàng ngày, có trí nhớ và thị lực giảm sút. Khi uống thuốc theo liều được chia sẵn, họ đã vô tình uống luôn mà không bóc thuốc khỏi vỉ.
Theo bác sĩ Thảo, có nhiều bệnh nhân dù phát hiện đã nuốt phải dị vật nhưng cho rằng có thể đi ra ngoài được nên chủ quan không tới bệnh viện xử lý sớm, dẫn đến biến chứng nặng. Riêng với vỉ thuốc là loại dị vật thường có nhiều cạnh sắc, nên gần như sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đường tiêu hóa.
Các bác sĩ khuyến cáo, người lớn tuổi, người có thị lực kém khi uống thuốc cần có sự giám sát của người thân hoặc nhân viên y tế. Khi chia liều dùng nên bóc thuốc sẵn ra khỏi vỏ, bảo quản trong thời gian ngắn bằng túi zip hoặc hộp.
Song song đó, người dân nên cẩn thận khi ăn uống, nhất là với những người có sử dụng răng giả. Vì răng giả khi đã dùng lâu ngày có thể bị mòn, không bám chặt vào hàm và có cạnh sắc nhọn, dễ rơi ra rồi lọt vào đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa rất nguy hiểm.
Trường hợp không may nuốt phải vỉ thuốc hay các dị vật, cần tới ngay cơ sở y tế chuyên sâu để theo dõi và xử trí kịp thời.