Nhiều người dân nhiễm độc thạch tín

(Dân trí) - Thực trạng nước nhiễm asen (thạch tín) ở nước ta hiện vẫn ở mức báo động, đặc biệt ở hai khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, tại nhiều địa phương có tới 80% số hộ dân dùng nước giếng khoan trong sinh hoạt.

TS Nguyễn Duy Bảo (ảnh), Viện Trưởng Viện Lao động và Vệ sinh Môi trường - Bộ Y tế, cho biết bên lề một cuộc hội thảo quốc tế xung quanh vấn đề này.

Xin TS cho biết cụ thể mức độ ô nhiễm của hai khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long vượt bao nhiêu so với quy định. Những địa phương nào nằm trong tình trạng báo động về mức độ nhiễm asen?

 

Một số nghiên cứu do Unicef  tiến hành tiến hành tại hai khu vực này đã nhận định: mức độ ô nhiễm asen trong nguồn nước ngầm ở Việt Nam rất nghiêm trọng.

 

Theo quy định của quốc tế và cộng đồng châu Âu, nồng độ asen trong nước chỉ là dưới 10µg/l thế nhưng tại khu vực đồng bằng sông Hồng mức nhiễm asen thường cao gấp hàng chục lần mức này, đó là: Hà Nội, Hà Tây, Hưng Yên, Nam Định. Nhiễm nặng nhất là tỉnh Hà Nam, có tới 80% giếng khoan ở tỉnh này nhiễm asen cao ở mức nguy hiểm, gấp 100 đến 500 lần cho phép.

 

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi cũng phát hiện thấy một số tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An... có tỷ lệ nhiễm asen khá cao.

 

Trong khi đó, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng nước giếng hoặc nước mưa, nước ao hồ trong sinh hoạt là rất lớn?

 

Đúng vậy, kết quả điều tra sơ bộ do Viện tiến hành tại các xã của một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng cho thấy: một số ít hộ dân khác vẫn giữa thói quen tích trữ nước mưa dùng để nấu nướng, còn một số nhỏ vẫn tiếp tục dùng nước hồ, ao phục trong sinh hoạt. Có tới 80% hộ dân sử dụng nước giếng công cộng (giếng đào) để rửa thức ăn, tắm gội. Họ chỉ sử dụng nước giếng khoan vào các mùa khô (trên 6 tháng) khi nước giếng đào cạn. Chính vì vậy nên không tránh khỏi sự tiếp xúc với asen qua đường ăn uống và qua da, ở một mức độ nào đó.

 

Các nghiên cứu khoa học đều khẳng định nếu tiếp xúc lâu dài với asen rất dễ bị ung thư một số cơ quan như: da, phổi, bàng quang, dạ dày... làm rối loạn gien và sinh tổng hợp ADN. Trong khi đó, có rất nhiều người dân ở các địa phương từ rất nhiều năm nay vẫn sử dụng nước giếng khoan. Điều đó có nghĩa là không ít người dân đang phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm do sử dụng nước giếng kéo dài?

 

Do nguồn nước ngầm của Việt Nam có hàm lượng sắt rất cao, nước có mùi tanh và chát nên ở nhiều nơi người dân phải lọc nước quá các bể chứa cát sỏi để loại bỏ sắt. Với biện pháp này, vô tình họ cũng đã loại bớt được phần nhiều lượng asen có trong nước. Cụ thể, qua kiểm tra các mẫu nước đã qua bể lọc cát thì có tới 60,5 số mẫu giảm lượng asen đến tiêu chuẩn cho phép của quốc tế và Việt Nam.

 

Điều đáng buồn là còn có tới 40% số bể lọc cát của các hộ dân chưa đúng kỹ thuật, nên hiệu quả đạt được không cao, nên mức nhiễm asen trong nước vẫn vượt ngưỡng cho phép

 

Bên cạnh đó, tại một số nơi do nước giếng khoan nhiễm ít sắt (có vị ngọt hơn) như Mai Động, Hùng An thuộc tỉnh Hưng Yên, Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Tây, Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang....nên người dân ở đây thường sử dụng nguồn nước trực tiếp mà không qua bể lọc cát. Chính vì vậy nguy cơ nhiễm asen của người dân ở những vùng này cao hơn so với những nơi khác.

 

Qua các nghiên cứu đã tiến hành Viện đã phát hiện bao nhiêu khu vực dân cư mắc bệnh do nhiễm asen?

 

Nghiên cứu của Viện với sự tài trợ của Unicef từ năm 2003 - 2005 tại Hà Nam, Hưng Yên đã tìm thấy một số trường hợp có các tổ thương như: dày sừng, RLST da, hàm lượng asen trong tóc và nước tiểu tăng cao ở các đối tượng sử dụng nước ô nhiễm asen. Qua hội chẩn, các chuyên gia Trung Quốc, Việt Nam đều thống nhất kết luận đó là các tổ thương do tác hại của việc sử dụng nguồn nước bị nhiễm asen để ăn uống, sinh hoạt.

 

Các nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu Chulabhorn Thái Lan cũng đã cảnh báo: nguồn nước nhiễm asen nặng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ của bà mẹ có thai và trẻ sơ sinh cũng như sự phát triển về thế chất và trí tuệ của trẻ. Nhưng chúng ta thì chưa có nghiên cứu chuyên biệt về vấn đề này.

 

Đây là vấn đề gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ của người dân. Phương hướng khắc phục hậu quả mà Viện kiến nghị lên Bộ Y tế là…?

 

Chúng tôi đã sớm báo cáo về thực trạng này lên Bộ. Trong thời gian vừa qua, Bộ cũng đã tổ chức phối hợp với các tổ chức quốc tế lớn kêu gọi sự giúp đỡ cả về tài chính lẫn kinh nghiệm nhằm đưa ra được những mô hình chống bệnh tật, bảo vệ sức khoẻ cho người dân Việt Nam.

 

Vấn đề trước mắt là phải tiến hành điều tra kỹ lưỡng về số người bị mắc bệnh do nhiễm asen ở tất cả các vùng trên toàn quốc, sau đó cần triển khai các mô hình giảm thiểu asen (bể cát sỏi lọc nước đúng tiêu chuẩn) và đào tạo hướng dẫn chẩn đoán cho các địa phương. Đã có nhiều nước bạn xử lý tốt vấn đề giảm thiểu asen trong nước, chúng ta nên tranh thủ những kinh nghiệm quý báu này.

 

Xin cảm ơn ông!

 

P. Thanh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm