Nhiều người chủ quan với sốt xuất huyết vì hầu như năm nào cũng bị

Nam Phương

(Dân trí) - Gần đây, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám tại Bệnh viện E tăng đột biến. Trong đó, không ít trường hợp có diễn biến nặng như ho ra máu, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tụt huyết áp…

Sốt sang ngày thứ 6 mới đi khám

Đang điều trị sốt xuất huyết ngày thứ 3 tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, chị Hà (41 tuổi, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị là người thứ 2 trong gia đình bị sốt xuất huyết. Hầu như năm nào chị cũng bị nên lần này chị có phần chủ quan. 

Đến ngày thứ 6, khi thấy có các triệu chứng trở nặng như sốt cao đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng nhiều…, nằm mãi không thấy đỡ, chị mới đi khám và được yêu cầu nhập viện điều trị.

"Năm nào, khu vực tôi sống cũng là điểm nóng về dịch sốt xuất huyết. Cứ đến mùa dịch là gia đình nào cũng đều có ít nhất 2-3 người mắc sốt xuất huyết", chị Hà kể.  

Trước đó, ông chị cũng mắc sốt xuất huyết, được chỉ định nhập viện điều trị ngay từ đầu vì tuổi cao, có bệnh nền. 

Cùng nằm điều trị với chị Hà là một sản phụ mang thai 6 tuần mắc sốt xuất huyết, cũng ở phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Sản phụ nhập viện với triệu chứng sốt ngày thứ 2, sốt cao liên tục, mệt nhiều, tức bụng, buồn nôn, ra máu âm đạo bất thường. 

Lúc đầu, sản phụ không điều trị, không đi khám vì lầm tưởng mình bị cúm. Đến khi, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng như li bì, lạnh đầu chi chị mới vào viện. 

Nhiều người chủ quan với sốt xuất huyết vì hầu như năm nào cũng bị - 1

Cao điểm có những ngày số bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E chiếm đến hơn nửa số bệnh nhân đang điều trị tại khoa (Ảnh: T.X).

Ca bệnh gia tăng đột biến 

Những ngày gần đây, số lượng người mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị gia tăng đột biến tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E. Từ tháng 7, mỗi ngày phòng khám của khoa tiếp nhận khoảng 20 người dân mắc sốt xuất huyết. Trong đó có 5-10 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị. 

Cao điểm có những ngày số người mắc sốt xuất huyết điều trị tại khoa lên đến 30-40 người, chiếm hơn 50% số người bệnh đang điều trị tại đây. Theo các bác sĩ, người bệnh đến khám tập trung chủ yếu ở phường Mai Dịch, Dịch Vọng, Cầu Diễn (quận Cầu Giấy), quận Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)… 

Cách đây 3 tháng, khoa cũng bắt đầu ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, điều trị song chỉ lẻ tẻ. 

Theo BSCKII Đào Văn Cao, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, đến nay, khoa đang theo dõi và điều trị cho gần 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Sau khi thăm khám, chẩn đoán, những trường hợp nhẹ sẽ được kê đơn thuốc, hướng dẫn điều trị ngoại trú. 

Những trường hợp nặng, có dấu hiệu cảnh báo như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc, xét nghiệm có tiểu cầu giảm nhanh, cô đặc máu, men gan tăng cao sẽ được chỉ định vào viện theo dõi và điều trị. 

Không chủ quan

Trước những diễn biến khó lường của bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ khuyến cáo, người dân nếu thấy sốt cao đột ngột cần đi khám ngay. Bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.

Đặc biệt, những người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch hoặc phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết thường diễn biến nặng hơn, nhiều biến chứng. Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết có thể sinh non, con nhẹ cân, xuất huyết khi sinh và sau sinh. 

"Sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai giai đoạn đầu rất nguy hiểm. Virus sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của mẹ, gây ra rối loạn đông máu, giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu, từ đó dễ dẫn đến sảy thai, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu", BS Cao phân tích.

Ngoài ra, sốt xuất huyết vào giai đoạn chuyển dạ có thể gây băng huyết sau sinh do bệnh làm giảm tiểu cầu. Nặng hơn nữa là tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho sản phụ và thai nhi. 

Bệnh hiện không có vaccine phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.