1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội thêm gần 300 ca mắc sốt xuất huyết, 22 ổ dịch trong một tuần

Minh Nhật

(Dân trí) - Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 1.114 ca sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 3,5 lần.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần 27 (7/7-14/7), Thủ đô ghi nhận 291 ca sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã. Tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Thành phố chưa ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.

Thạch Thất là khu vực có nhiều ca sốt xuất huyết mới nhất trong tuần qua với 47 ca. Đây cũng là điểm nóng sốt xuất huyết trong thời gian qua của Hà Nội.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 1.114 ca sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 3,5 lần. Toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã đã ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết.

Hà Nội ghi nhận thêm 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện. Hiện toàn thành phố có 27 ổ dịch đang hoạt động. Riêng xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất đã phát hiện 160 bệnh nhân.

Hà Nội thêm gần 300 ca mắc sốt xuất huyết, 22 ổ dịch trong một tuần - 1

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Thành Đông)

Hàng năm, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát trong khoảng tháng 10-12. Tuy nhiên năm nay, số lượng ca bệnh lại xuất hiện sớm hơn dự kiến. 

Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Dự báo, số ca mắc mới sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại khu vực ổ dịch cũ, xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Vừa qua, đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đã giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Theo báo cáo huyện Phú Xuyên đến nay ghi nhận 42 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, xã Đại Thắng ghi nhận 7 ca mắc sốt xuất huyết.

Qua giám sát tại các hộ gia đình, đoàn ghi nhận các hộ gia đình vườn rộng, nhiều phế thải, phế liệu là các dụng cụ chứa nước có bọ gậy, bể nước mưa có bọ gậy...

Đồng thời, mật độ dân cư cao, người dân dù được tuyên truyền nhưng vẫn thờ ơ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đơn giản như phòng tránh muỗi đốt...

Ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết vào viện tăng vọt. Đáng chú ý, cơ sở y tế này tiếp nhận hàng chục bệnh nhân vào những ngày cao điểm.

Theo BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Căn bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi, điều trị từng triệu chứng và điều trị hỗ trợ kịp thời.

Nếu người mắc sốt xuất huyết chủ quan thì tình trạng có thể trở nên rất đáng báo động. Những biến chứng nặng có thể xảy ra khi bệnh nhân được phát hiện và điều trị muộn. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây nguy hiểm tính mạng.

Bên cạnh đó, BS Hưng cũng nhấn mạnh rằng, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tái mắc nhiều lần. Do đó, người đã từng mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan. "Một bệnh nhân có thể mắc 2 lần trong một mùa dịch. Thậm chí, họ có thể mắc đến 2 type khác nhau", BS Hưng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, trước đây, đúng là dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.

"Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng", TS Dũng phân tích.