Nhiều người bệnh khốn khổ vì mắc căn bệnh này sau ngã xe, tai nạn
(Dân trí) - Theo các bác sĩ, căn bệnh này là chấn thương khá đặc thù khi gặp tai nạn xe máy, tai nạn lao động, khiến người mắc chịu nhiều khổ sở, thậm chí phải phẫu thuật vì không thể đi tiểu bình thường.
Tại hội thảo chuyên đề "Phẫu thuật điều trị hẹp niệu đạo - góc nhìn và triển vọng Đông Nam Á" diễn ra tại TPHCM, BS CKII Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng Đơn vị Niệu đạo, Bệnh viện Bình Dân cho biết, từ năm 2015 đến nay nơi này đã điều trị cho hơn 1.000 trường hợp hẹp niệu đạo, đứt niệu đạo do tai nạn.
Chịu nhiều khổ sở vì đeo túi đựng nước tiểu
Gần nhất là trường hợp của một thanh niên tên H. (19 tuổi, quê huyện Củ Chi, TPHCM). Theo bệnh sử, H. bị ngã xe máy khi đang di chuyển trên đường và bị xe tải từ phía sau tông đè lên. Tai nạn khiến bệnh nhân gãy xương đùi trái, vỡ xương chậu, đứt niệu đạo.
Bệnh nhân được cấp cứu tại một bệnh viện địa phương rồi chuyển lên tuyến trên. Sau khi điều trị ổn định các chấn thương, bệnh nhân trở lại trường học nhưng phải đeo túi đựng nước tiểu do niệu đạo đã bị đứt, nước tiểu không thể đi ra ngoài theo ngõ niệu đạo. Qua người quen giới thiệu, H. tìm đến Bệnh viện Bình Dân cầu cứu.
Tại đây, ê-kíp điều trị đã thăm khám, xác định đường đi, đánh giá độ di lệch của niệu đạo sau đứt và quyết định phẫu thuật cắt lọc mô xơ, khâu nối tận - tận 2 đoạn đứt của niệu đạo. Sau khi rút bỏ hoàn toàn ống thông, H. đi vệ sinh dễ dàng qua niệu đạo mới. Hiện bệnh nhân đã trở lại với sinh hoạt bình thường, không còn phải chịu cảnh đeo ống thông.
Các bác sĩ cho biết, hẹp niệu đạo tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á thường do cơ chế chấn thương khá đặc thù là gãy khung chậu khi nạn nhân gặp tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn xe máy, té ngồi trên mạn ghe thuyền, tai nạn lao động. Khi bị hẹp niệu đạo, người bệnh rất khổ sở vì phải tiểu rặn, tiểu khó, thậm chí phải cấp cứu khi bí tiểu hoàn toàn.
Nhiều nước sang Việt Nam học tập mổ hẹp niệu đạo
Trước đây, hẹp niệu đạo được điều trị bằng cách mở bàng quang ra da, nong niệu đạo hay tạo hình niệu đạo. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật tạo hình có thể bị tái phát, khiến bệnh nhân phải phẫu thuật nhiều lần hoặc chịu cảnh đeo túi chứa nước tiểu suốt đời. Tại các nước không được đào tạo bài bản và không có trang thiết bị chuyên dụng, tỷ lệ tạo hình thành công thường thấp hơn 16%.
Hơn 6 năm qua, Bệnh viện Bình Dân đã cử bác sĩ có kinh nghiệm phẫu thuật niệu đạo đến Đại học UC Irvine (Hoa Kỳ) để học tập phẫu thuật hẹp niệu đạo, sau đó mang về áp dụng tại Việt Nam. Theo báo cáo cập nhật, tỷ lệ thành công của phẫu thuật hẹp niệu đạo ở bệnh viện lên đến 98%.
Nhờ thành công trên, một số các bác sĩ trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia cũng đã đến học tập kinh nghiệm tại Bệnh viện Bình Dân để cải thiện kết quả điều trị ở nước bạn.
PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết, trong giai đoạn đầu điều trị hẹp niệu đạo, bệnh viện gặp khó khăn vì bệnh nhân có tỷ lệ tái phát còn cao, phải mang ống thông bàng quang không đi làm được, nhiễm trùng nhiều.
Ban đầu, người bệnh chưa ý thức được rằng đây là bệnh có thể phẫu thuật khỏi hoàn toàn, hoặc thậm chí nhiều bệnh buông xuôi, không sẵn sàng cho việc phẫu thuật. Đến nay, tỷ lệ thành công của phẫu thuật tạo hình niệu đạo tại bệnh viện đã cao hơn hẳn các quốc gia trong khu vực và tương đương với kết quả của nhiều trung tâm lớn ở Hoa Kỳ.
Về chiến lược lâu dài, bệnh viện sẽ xây dựng khoa Phẫu thuật Tạo hình niệu đạo, cũng như trung tâm huấn luyện tại khu vực để giúp cho nhiều người bệnh có cơ hội được điều trị triệt để bệnh, có chất lượng cuộc sống tốt hơn.