Nhiều kỹ thuật mới trong điều trị ung thư
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã giới thiệu nhiều phương pháp mới trong điều trị ung thư tại Hội thảo phòng chống ụng thư tổ chức ở TPHCM. Những phương pháp mới được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị cho người bệnh.
Tiếp nối thành công của 20 kỳ Hội thảo thời gian qua, Hội thảo thường niên phòng, chống ung thư TPHCM - Lần thứ 21 - Năm 2018 diễn ra vào hai ngày 06/12 và 07/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị Tân Sơn Nhất, TPHCM. Hội thảo phòng, chống ung thư TP.HCM là nơi uy tín để các bác sĩ chia sẻ trao đổi kinh nghiệm trong kiểm soát bệnh
Năm nay, Hội thảo thu hút sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu đến từ các tỉnh/ thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau…; các chuyên gia nước ngoài như Mỹ, Úc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia,…
TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM/Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Năm nay, Hội thảo còn tổ chức tập huấn quốc tế về những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi, có sự tham gia báo cáo của các chuyên gia ung bướu đến từ Mỹ, Úc, Đài Loan về: Cập nhật tiến bộ trong chẩn đoán bệnh học và sinh học phân tử của ung thư phổi; Cập nhật bối cảnh điều trị ung thư phổi giai đoạn tiến xa/ di căn; Chăm sóc giảm nhẹ cho các bệnh nhân ung thư phổi được điều trị nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch”.
TS.BS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TPHCM mong muốn thành phố sẽ có thêm các trung tâm tầm soát ung thư với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để đáp ứng nhu cầu tầm soát bệnh của người dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện, trung tâm ung bướu. Ông cũng mong hoạt động chăm sóc giảm nhẹ sẽ được triển khai trong cộng đồng chứ không chỉ có tại các bệnh viện, trung tâm ung bướu như hiện nay.
Trong phiên khai mạc Hội thảo toàn thể, GS. Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam có bài báo cáo chuyên đề về “Ức chế chốt kiểm trong liệu pháp miễn dịch ung thư”. Bài trình bày về “Vai trò của dấu ấn sinh học trong hướng dẫn quyết định lâm sàng cho liệu pháp miễn dịch” của GS. Pathmanathan A. Radjadurai - Malaysia. Những bài báo cáo mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chuẩn đoán, điều trị ung thư.
Trong 2 ngày 06 và 07/12/2018, sẽ có 19 phiên hội thảo chuyên đề về tổng quát, đầu cổ, tiêu hóa, tổng quát-huyết học, phổi-lồng ngực, vú, nhi-phụ khoa, chăm sóc giảm nhẹ - điều dưỡng, giải phẫu bệnh và 6 phiên hội thảo vệ tinh được tổ chức.
Tại các phiên hội thảo chuyên đề, Hội thảo lần này giới thiệu một số kỹ thuật điều trị mới, như trong ung thư vú có việc “Áp dụng phẫu thuật trì hoãn trong tái tạo vú và núm vú trên tuyến vú đã xạ trị” của GS.BS . Albert Chao đến từ Đài Loan, “Sinh thiết vú có hỗ trợ hút chân không (VABB) dưới hướng dẫn của siêu âm trong chẩn đoán và điều trị tổn thương vú” của TS.BS Trần Việt Thế Phương - Bệnh viện Ung bướu TPHCM...
Trong ung thư đầu cổ có kỹ thuật “Cắt thanh quản bán phần trong điều trị ung thư thanh môn giai đoạn sớm” của BS.CK1 Trương Công Tuấn Anh - Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Hay về ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng 4.0 vào y tế, nhiều báo cáo khác đến từ các trung tâm, bệnh viện có chuyên khoa ung thư cũng cho thấy kết quả điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân dần cải thiện.
Hội thảo phòng, chống ung thư thường niên TP.HCM với sự phối hợp tổ chức của Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, Hội Ung thư Việt Nam, Hội Ung thư TP.HCM và Bệnh viện K Trung ương là cơ hội những đồng nghiệp trong nước và ngoài nước cùng nhau nhìn lại, chia sẻ, đúc kết kinh nghiệm những nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tiến bộ y học và hoạch định chiến lược phát triển chuyên ngành ung bướu cho tương lai.
Chân Phương