Nhiều hệ lụy từ việc mất cân bằng giới tính
(Dân trí) - Trong hai ngày 3-4/12, tại Đà Nẵng, Hội nông dân VN phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Cục dân số & KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo nhằm tuyên truyền vận động giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh và phòng chống bạo lực gia đình.
Theo Tổng Cục dân số & KHHGĐ, kết quả tổng điều tra dân số điều tra biến động DS-KHHGĐ, tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 1999 ở mức 107 (tức 107 bé trai/100 bé gái). Trong những năm từ 2001-2005, TSGTKS biến động lên xuống 104 - 109…
Theo Tổng Cục dân số & KHHGĐ, trong những năm gần đây, TSGTKS vẫn tiếp tục tăng cao từ 110,5 năm 2009 lên 112,3 năm 2012. Như vậy, từ năm 2006 đến 2008 bình quân mỗi năm tăng 1,15 điểm %; từ năm 2009-2012 mỗi năm tăng bình quân khoảng 0,6 điểm %.
Tính chung trong cả nước, mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở cả nông thôn và thành thị với tỉ lệ tương ứng 111,1 và 114,2. Số liệu cho thấy khu vực thành thị có sự lựa chon giới tính ngay ở lần đầu sinh trong đó việc lựa chọn giới tính khi sinh của khu vực nông thôn chỉ xuất hiện ở lần sinh thứ hai trở đi.
Bên cạnh đó, tỉ số giới tính khi sinh của lần thứ ba trở lên khá cao (khoảng 120 bé trai/100 bé gái) đối với cả khu vực thành thị và nông thôn. Điều này cho thấy để giảm sự mất cân bằng giới tính khi sinh thì cần phải có những chính sách tuyên truyền phù hợp đối với khu vực thành thị, đặc biệt là nhóm phụ nữ sinh nhiều con.
Nguyên nhân của mấy cân bằng giới tính khi sinh tại VN là do tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của con người VN nên ai cũng muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ…Quan niệm có con trai mới được xem là có con.
Mặc khác ở nông thôn, đàn ông con trai thường phải gánh vác những việc nặng nhọc trong gia đình; do đó đàn ông chính là trụ cột trong gia đình. Tất cả đều đó ăn sâu vào tiềm thức của người VN, đó là một phần của nền văn hóa VN…
Một nguyên nhân khác làm mất cân bằng giới tính là áp dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính trước khi sinh như chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh…
Tình trạng gia tăng TSGTKS sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, thậm chí cả an ninh chính trị khi các thế hệ trẻ em sinh ra hôm nay bước vào độ tuổi kết hôn. Một bộ phận nam giới kết hôn muộn hoặc không có khả năng kết hôn.
Ngoài ra tình trạng thừa nam thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn có thể dẫn đến những thay đổi trong hệ thống hôn nhân và gia đình. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ buôn bán phụ nữ, xung đột giữa nước “xuất khẩu cô dâu” và nước “nhập khẩu cô dâu”…
Ông Trần Ngọc Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân VN cho biết: Hiện có khoảng 45 tỉnh thành trong cả nước diễn ra hiện tượng mất cân bằng giới tính, đặc biệt ở khu vực đồng bằng sông Hồng (tỉ lệ 122/100), cao nhất là Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo ông Phạm Năng An, Phó Vụ trưởng Vụ dân số KHHGĐ (Tổng cục dân số, Bộ Y tế), nếu không có sự can thiệp bằng chính sách, đến năm 2050 thì sự chênh lệch số lượng nam so với nữ sẽ từ 2,3-4,3 triệu người.
Thực tế đó sẽ phá vỡ cấu trúc gia đình Việt Nam, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn đối với sự phát triển xã hội, nòi giống dân tộc và sự phồn thịnh của đất nước.
Bên cạnh các biện pháp can thiệp bằng chính sách, các đại biểu đề nghị đẩy mạnh công tác thực thi luật pháp, nghiêm cấm mọi hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi tại các phòng khám tư, các loại sách báo liên quan đến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi…
Công Bính