Nhiều ca nghi nhiễm khuẩn tả nhập viện

(Dân trí) - Theo kết quả xét nghiệm ban đầu của bệnh viện E Hà Nội, trong 15 trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện tuần qua thì có 10 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Một đôi vợ chồng cho hay, họ đã mua lòng lợn ở chợ về ăn mà không qua chế biến lại.

Nhiều ca nghi nhiễm khuẩn tả nhập viện - 1

Bệnh viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới trong đợt cao điểm dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm năm 2008 (Ảnh: H.Nghị)
 
Các mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân nói trên đã được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ TW để khẳng định kết quả cuối cùng.

 

Sáng 11/5, trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc BV E Hà Nội, cho hay, riêng trong đêm thứ 6, thứ 7 vừa rồi, bệnh viện E liên tiếp cấp cứu 8 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện trong tình trạng nặng, đi ngoài liên tục. Sau khi được cấp cứu truyền dịch tích cực, các bệnh nhân này đều được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Kết quả soi nhanh và cấy phân cho thấy, các bệnh nhân này đều dương tính với phẩy khuẩn tả.

Trước đó, tối 5/5, Bệnh viện E cũng đã tiếp nhận 2 trường hợp là vợ chồng cùng bị đi ngoài ồ ạt. Hai người này đều được cấy phân và cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả. Trường hợp người vợ, sau một đợt điều trị, kết quả xét nghiệm đã âm tính với phẩy khuẩn tả. Còn người chồng thì vẫn có kết quả dương tính sau 3 lần xét nghiệm. Điều tra dịch tễ cho thấy, họ đã mua lòng lợn ở chợ về ăn sẵn mà không chế biến lại.

Tính từ ngày 5/5 đến nay, Bệnh viện E đã tiếp nhận 15 trường hợp tiêu chảy ở Hà Nội, trong đó có 10 ca theo kết quả soi và xét nghiệm ban đầu dương tính với phẩy khuẩn tả. 

Theo TS Nghị, dù chưa có kết quả xét nghiệm cuối cùng của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, nhưng ngay sau khi tiếp nhận các bệnh nhân với biểu hiện đi ngoài ồ ạt, soi qua phân để xác định bước đầu, bệnh viện đều tiến hành điều trị, cách ly cho các bệnh nhân này như điều trị bệnh nhân tả như: điều trị tích cực bằng truyền dịch, dùng kháng sinh đặc hiệu, tình trạng bệnh của các bệnh nhân đều đã ổn định.

 

Bệnh viện cũng báo với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để tiến hành phun hóa chất dập dịch.

 

TS Nghị cho biết thêm, tính đến thời điểm này, BV E đã điều trị khỏi cho khoảng 400 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả. 
 
Xuất hiện dịch tiêu chảy cấp tại Hải Phòng
 
Sau Hà Nội và Bắc Ninh, Hải Phòng là địa phương thứ ba ở miền Bắc bùng phát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Trong cuộc họp khẩn cấp sáng nay (11/5), ông Nguyễn Văn Vi - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng xác nhận.
 
Hiện toàn thành phố đã có 13 bệnh nhân ở 4/15 quận, huyện phải nhập viện cấp cứu vì nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp. Trong số đó, có 4 ca mắc bệnh tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả; số bệnh nhân còn lại đều có các triệu chứng về tiêu hóa như tiêu chảy nhiều, nôn, mất nước... đang chờ kết quả xét nghiệm.
 

Đặc biệt, trong sáng 11/5, xuất hiện thêm 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Tuân ở xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên có biểu hiện bệnh mắc bệnh tiêu chảy cấp.

Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, ngành y tế đã tổ chức kiểm tra, phân tích nguồn nước, thức ăn thực phẩm tại các điểm có ổ dịch; tổ chức phun thuốc, hóa chất khử trùng vệ sinh môi trường các điểm có ổ dịch và vùng lân cận.
 
Ngành y tế cũng đã tổ chức cho hơn 1.500 người tiếp xúc với bệnh nhân uống thuốc phòng bệnh; tuyên truyền cho nhân dân cách phòng ngừa dịch; khuyến cáo người dân ăn chín, uống sôi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. (Theo TTXVN/Vietnam+)
 

Thanh Hoá: 8 ca tiêu chảy cấp

Tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa hôm nay (11/5) cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 8 trường hợp tiêu chảy cấp sau khi dịch này tái bùng phát trở lại.

Sau đúng một tuần tái bùng phát trở lại dịch, đến chiều ngày 11/5, theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, đã phát hiện 8 ca mắc bệnh tiêu chảy cấp với kết quả dương tính phẩy khuẩn tả. Các huyện có bệnh nhận mắc tiêu chảy cấp gồm: Hà Trung, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa.

Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử cán bộ về các địa phương có dịch lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, đồng thời lấy mẫu thẩm định gửi Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ để xét nghiệm. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tiến hành tiêu độc, khử trùng ở những khu vực sinh hoạt và điều trị của các bệnh nhân...

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường, hướng dẫn nhân dân làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực có dịch.

Trần Đại - Duy Tuyên

 

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm