Nhiều bệnh viện tại TPHCM có chênh lệch thu chi dưới 0 đồng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Sở Y tế TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2022 nguồn thu của các bệnh viện vẫn bị giảm mạnh so với trước dịch, khiến nhiều nơi không cân đối được nguồn tài chính, có chênh lệch thu chi dưới 0.

Sáng 7/10, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM liên quan đến vấn đề thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn trong giai đoạn 1/1/2020 - 30/6/2022, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tình hình nhân sự trong 6 tháng đầu năm tại các bệnh viện công lập nhiều biến động.

Do thực trạng nghỉ việc nhiều nên số lượng người làm việc tại các đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 318 người so với năm 2021.

Theo bác sĩ Nam, tỷ lệ điều dưỡng, bác sĩ tại một số bệnh viện công lập đang có xu hướng giảm dần, làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Cụ thể, để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh, phải đạt yêu cầu 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ. Tuy nhiên qua khảo sát, tỷ lệ tại các bệnh viện công lập chỉ là 1,86. Có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2.

Lãnh đạo Sở Y tế nhận định, nguyên nhân do chế độ, chính sách hiện nay chưa phù hợp với áp lực công việc của điều dưỡng, hộ sinh, chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập giữ chân nhân sự chất lượng, cống hiến nhiều.

Đồng thời, còn do khó khăn, bất cập trong việc nâng chuẩn trình độ của điều dưỡng, hộ sinh lên trình độ cao đẳng theo lộ trình quy định của Bộ Y tế (bắt đầu từ ngày 2021-2025).

Trước tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, các bệnh viện đã tăng cường tuyển dụng 1.307 viên chức, trong đó có hơn 600 bác sĩ và gần 500 điều dưỡng, hộ sinh.

Nhiều bệnh viện tại TPHCM có chênh lệch thu chi dưới 0 đồng - 1

Nhân viên y tế trong và sau mùa dịch Covid-19 chịu nhiều áp lực về thu nhập, công việc (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Về vấn đề giá thu khám, chữa bệnh, bác sĩ Nam cho biết, thông thường theo quy định là do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả và người bệnh tự chi trả. Tuy nhiên, đối với giá khám, chữa bệnh do người bệnh tự chi trả thì Sở Y tế phải chờ HĐND TPHCM phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Trong thời gian chờ thì giá thu khám, bệnh do quỹ BHYT chi trả và giá do người bệnh tự chi đã bị chênh lệch.

Kế đến, giá thu khám, chữa bệnh hiện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí (chưa có phí khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản, chi phí quản lý chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học). Do quá nhiều dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh nên các bệnh viện xây dựng giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu vẫn chưa thể thực hiện theo đúng quy định 

Bác sĩ Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, ngân sách đã tạm cấp cho ngành y tế TPHCM 434 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp thực hiện tự chủ là 214 tỷ đồng, kinh phí phòng chống Covid-19 là 70 tỷ đồng. Ngoài ra, các bệnh viện hoạt động chủ yếu từ nguồn thu khám, chữa bệnh (ngoài ra có nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động liên doanh liên kết, vốn vay, viện trợ, tài trợ).

Đến nay, nguồn thu của các bệnh viện 6 tháng đầu năm vẫn bị giảm sút nhiều so với cùng kỳ trước dịch. Cụ thể, tổng thu là 12.400 tỷ đồng, giảm 20% so với số thu năm 2019.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, với thực trạng chênh lệch thu chi dưới 0, nhiều bệnh viện tại địa phương không cân đối được nguồn tài chính.