Nhiều bác sĩ Bệnh viện TP Thủ Đức bị kiệt sức vì công việc
(Dân trí) - Nghiên cứu cho thấy, hơn 41% trong số hàng trăm bác sĩ ở Bệnh viện TP Thủ Đức có nguy cơ kiệt sức. Nhiều trường hợp đã lâm vào tình trạng trên.
Tại hội nghị khoa học thường niên lần 6 do Bệnh viện TP Thủ Đức tổ chức ngày 26/10 ở TPHCM, nhóm nghiên cứu do một đại diện bệnh viện phối hợp với đại diện Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) đã có bài báo cáo về tình trạng kiệt sức của bác sĩ bệnh viện tuyến cơ sở.
Theo nhóm nghiên cứu, tình trạng kiệt sức của bác sĩ là vấn đề quan trọng, vì có liên quan đến những hậu quả tiêu cực đối với việc chăm sóc bệnh nhân, nhân lực bác sĩ, chi phí hệ thống chăm sóc sức khỏe và an toàn của chính bác sĩ.
Kiệt sức (burned-out) là một hội chứng tâm lý biểu hiện bởi phản ứng cảm xúc tiêu cực đối với công việc, do hậu quả của việc tiếp xúc lâu với môi trường căng thẳng.
Chăm sóc sức khỏe đã được liệt kê là một trong số các ngành nghề có mức độ căng thẳng cao, nhu cầu tương tác cá nhân mạnh mẽ với mọi người, đặc biệt là bệnh nhân. Các nghiên cứu đã phát hiện, tỷ lệ kiệt sức của bác sĩ cao hơn so với các cá nhân làm nghề nghiệp khác.
Do đó, đánh giá mức độ kiệt sức của các bác sĩ là hoạt động cần thiết, nhằm cung cấp thông tin cho các nhà quản lý bệnh viện xây dựng kế hoạch và giải pháp cải thiện tình trạng trên, nâng cao chất lượng bệnh viện.
Các nghiên cứu viên đã chọn 403 bác sĩ tại các khoa, phòng của Bệnh viện TP Thủ Đức thực hiện. Có 374 bác sĩ đồng ý tham gia nghiên cứu, thực hiện từ tháng 8/2022 đến tháng 2 năm nay.
Mức độ kiệt sức được đánh giá bằng bộ câu hỏi đánh giá kiệt sức chung (BAT) cho nhân viên y tế của tác giả Wilmar Schaufeli và cộng sự (2020).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có hơn 41% bác sĩ có nguy cơ kiệt sức, hơn 16% bác sĩ trong tình trạng "kiệt sức đỏ" và hơn 12% bác sĩ có triệu chứng kiệt sức tình trạng đỏ (cao). Tổng số gặp tình trạng kiệt sức lên tới hơn 100 người.
Các triệu chứng gặp phải của bác sĩ là mệt mỏi, suy giảm cảm xúc, suy giảm nhận thức, khoảng cách tâm lý... với 3 mức độ xanh, cam, đỏ (trong đó xanh là nhóm không có nguy cơ kiệt sức).
Các yếu tố liên quan đến kiệt sức của bác sĩ là khác nhau, theo từng khía cạnh của kiệt sức, như: tuổi, trình độ học vấn, số năm công tác ở bệnh viện, thời gian làm việc mỗi tuần và mỗi ca, số đêm trực mỗi tuần, số lượt bệnh nhân cần chăm sóc...
Trong đó, số đêm trực của bác sĩ có mối tương quan nghịch đến triệu chứng kiệt sức chung. Nhóm nghiên cứu kết luận, tỷ lệ bác sĩ có nguy cơ kiệt sức tại Bệnh viện TP Thủ Đức khá cao.
Trước đó theo Sở Y tế TPHCM, trong thời gian chiến đấu với đại dịch Covid-19 ở giai đoạn đỉnh điểm, có rất nhiều nhân viên y tế bị hội chứng "burned-out".
Tại thời điểm tháng 10/2021, kết quả khảo sát của Bệnh viện Hùng Vương trên 466 nhân sự tại đây cho thấy, tỷ lệ nhân viên y tế có biểu hiện trầm cảm là 23,6%; lo âu là 42,9% và stress là 17,6%.
Phân tích nguyên nhân cho thấy, hơn 57% nhân viên bệnh viện đã trải qua nhiều biến cố là vì phải chứng kiến người thân/bạn bè mất vì Covid-19; hơn 53% nhân viên cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế; hơn 70% nhân viên cho biết người thân mất việc làm…
Vào tháng 8 vừa qua, Sở Y tế TPHCM đã ký Biên bản ghi nhớ với tổ chức Family Health International (FHI 360) trong việc phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) cho nhân viên y tế trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc, TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc điều hành, Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết, hội nghị thu hút hơn 400 đại biểu là y bác sĩ, điều dưỡng đang công tác tại Bệnh viện TP Thủ Đức và các bệnh viện trong nước đăng ký tham dự.
Hội nghị có 34 bài báo cáo khoa học, báo cáo tham luận của các thầy cô, chuyên gia đầu ngành, các bác sĩ và điều dưỡng nhiều năm kinh nghiệm đang công tác tại nhiều trường đại học y khoa và bệnh viện, tập trung vào các chuyên đề nội khoa, ngoại khoa, cận lâm sàng, quản lý y tế, dược, điều dưỡng, y tế công cộng.
Đây là ngày hội khoa học, nhằm báo cáo kết quả của những nghiên cứu, những kỹ thuật tiêu biểu điển hình, những ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động khám chữa bệnh. Đồng thời, ghi nhận sự phấn đấu vươn lên về mọi mặt, đặc biệt là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện.