Hàng loạt bác sĩ ở TPHCM "kiệt sức đỏ": Chuyên gia chỉ ra giải pháp xử lý

Hoàng Lê

(Dân trí) - Lãnh đạo một bệnh viện ở TPHCM tiết lộ, có nhiều bác sĩ công tác tại nơi này đã rơi vào tình trạng "kiệt sức đỏ".

Một bệnh viện, hàng trăm bác sĩ bị tình trạng kiệt sức

Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề hội thảo "Tìm hiểu các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế", vừa diễn ra tại TPHCM, bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, nhiều nhân viên y tế (NVYT) tại đây có tình trạng kiệt sức.

Hàng loạt bác sĩ ở TPHCM kiệt sức đỏ: Chuyên gia chỉ ra giải pháp xử lý - 1

Nhân viên y tế trong ca làm việc tại Bệnh viện TP Thủ Đức (Ảnh: Hoàng Lê).

Kết quả nghiên cứu do Bệnh viện TP Thủ Đức phối hợp với đại diện Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) trên khoảng 400 bác sĩ tại bệnh viện (thực hiện từ tháng 8/2022 đến tháng 2 năm nay) cho thấy, hơn 40% bác sĩ có nguy cơ kiệt sức và hơn 12% bác sĩ có triệu chứng kiệt sức đỏ (mức cao).

Tổng số trường hợp gặp tình trạng kiệt sức lên tới hơn 100 người, con số đáng quan tâm. Các triệu chứng gặp phải của bác sĩ là mệt mỏi, suy giảm cảm xúc, suy giảm nhận thức, khoảng cách tâm lý, có sự cáu gắt trong công việc...

Các yếu tố liên quan đến kiệt sức của bác sĩ là khác nhau, theo từng khía cạnh của kiệt sức, như tuổi, trình độ học vấn, số năm công tác, thời gian làm việc, số đêm trực mỗi tuần, số lượt bệnh nhân cần chăm sóc...

Giải pháp để xử lý tình trạng trên

Hàng loạt bác sĩ ở TPHCM kiệt sức đỏ: Chuyên gia chỉ ra giải pháp xử lý - 2

Một trường hợp hành hung nhân viên y tế xảy ra tại Bệnh viện quận 7 (Ảnh: BV).

Theo bác sĩ Dũng, trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiệt sức nói riêng và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần nói chung, có vấn nạn hành hung NVYT.

Khi bị bạo hành, tâm lý và năng suất làm việc của NVYT chắc chắn bị ảnh hưởng. Giải pháp để xử lý tình trạng này đến từ phía y bác sĩ lẫn bệnh nhân, thân nhân.

Cụ thể, ở NVYT cần có thái độ, kỹ năng giao tiếp tốt, làm việc với y đức, vì người bệnh. Trong khi đó, thân nhân, bệnh nhân cần cư xử tôn trọng, thấu hiểu người thầy thuốc, từ đó có thể phối hợp điều trị một cách tốt nhất.

Nhận định về ý kiến cho rằng NVYT có quyền từ chối điều trị và đề nghị xử lý hình sự với người hành hung mình, bác sĩ Dũng cho rằng phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc dẫn đến tình huống trên. Trong trường hợp người hành hung nhân viên y tế cần tiếp tục điều trị hoặc quay lại những lần sau, cần phải xem xét tình trạng sức khỏe của họ.

"Nếu bệnh nhân đang trong tình trạng cần cấp cứu hoặc nguy kịch, bất kể vì lý do gì, chúng tôi đều phải cứu chữa người bệnh là trên hết.

Còn những trường hợp không phải cấp cứu nhưng người bệnh say xỉn, có hành vi bạo hành quá mức, vi phạm pháp luật, các NVYT có quyền từ chối khám chữa bệnh, nhờ cơ quan chức năng đến hỗ trợ, giải quyết", bác sĩ Dũng nói.

Hàng loạt bác sĩ ở TPHCM kiệt sức đỏ: Chuyên gia chỉ ra giải pháp xử lý - 3

Chuyên gia tâm lý cho rằng, cần xây dựng thêm các cơ sở vật chất, cải thiện đời sống nhân viên để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế (Ảnh: Hoàng Lê).

Lãnh đạo Bệnh viện TP Thủ Đức cũng cho biết, trong thời gian qua, bệnh viện đã phối hợp với dự án EpiC, tổ chức FHI 360 để triển khai các hoạt động chăm sóc tinh thần cho NVYT ngay tại nơi làm việc. Mỗi khi bác sĩ có khoảng trống công việc sẽ có những chỗ để thư giãn, cải thiện tâm lý.

Bàn luận về mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho NVYT, thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, Phó trưởng khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức đề xuất hệ thống can thiệp gồm 3 yếu tố. Thứ nhất, chăm sóc chuyên môn cho nhóm NVYT gặp vấn đề sức khỏe tinh thần. Thứ hai, xây dựng thêm các cơ sở vật chất, cải thiện đời sống NVYT. Thứ ba, cập nhật và phát triển hệ thống quản lý, hành chính.

Khi chăm sóc sức khỏe tinh thần cho đối tượng có nguy cơ, cần tham vấn tâm lý các chủ đề: stress và kiệt sức nghề nghiệp; chăm sóc, đồng hành cùng con của nhân viên y tế; tham vấn phát triển nghề nghiệp.

Tiến sĩ Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần (MHRS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) cho rằng, có 7 vấn đề trong chiến lược ứng phó với stress của nhân viên y tế.

Hàng loạt bác sĩ ở TPHCM kiệt sức đỏ: Chuyên gia chỉ ra giải pháp xử lý - 4

Chuyên gia cho rằng, cần có các chương trình đào tạo nâng cao năng lực ứng phó căng thẳng cho NVYT (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Đó là hỗ trợ xã hội; tìm kiếm trợ giúp chuyên môn không chính thức (nhà tâm lý cá nhân, tư vấn qua điện thoại); chiến lược tự chăm sóc (thiền, điều chỉnh sinh hoạt, thể thao, ăn uống); tìm kiếm các khóa đào tạo nâng cao năng lực, hiểu biết về dịch bệnh; sử dụng công nghệ thông tin và internet (chơi game, xem video, chat…); ghi nhận và sự hỗ trợ từ tổ chức.

Dựa trên thực tiễn về các chính sách chăm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho NVYT ở nhiều quốc gia, tiến sĩ công gợi ý, các bệnh viện có thể thúc đẩy chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, hỗ trợ tâm lý cho NVYT tại khoa Tâm lý lâm sàng, phòng Công tác xã hội.

Kế đến, xây dựng hệ thống thông tin về sức khỏe tâm thần và chiến lược ứng phó, tìm kiếm trợ giúp cho NVYT, có thể tích hợp trên website hoặc fanpage của bệnh viện, phòng Tổ chức cán bộ... để tăng năng lực trợ giúp, chăm sóc sức khỏe tinh thần của NVYT, giảm kỳ thị với sức khỏe tâm thần...

Ngoài ra, cần có các chương trình đào tạo nâng cao khả năng tự chăm sóc sức khỏe tinh thần, ứng phó căng thẳng cho NVYT.