Nhiệm vụ đặc biệt của các bác sĩ Chợ Rẫy tại tâm dịch Đà Nẵng

Khánh Hồng

(Dân trí) - Là những người được điều động có mặt ở Đà Nẵng từ những ngày đầu chống dịch, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy được giao nhiệm vụ thiết lập đơn vị hồi sức cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.

Thiết lập hệ thống hồi sức trong 5 ngày

Sáng 24/7, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được lệnh của Bộ Y tế tăng cường cho Đà Nẵng hỗ trợ điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó chỉ định trực tiếp bác sĩ Trần Thanh Linh – Phó Khoa Hồi sức cấp cứu.

Ê kíp đi cùng bác sĩ Linh có bác sĩ Ngô Việt Anh và điều dưỡng Nguyễn Văn Hải. Đây là những bác sĩ, điều dưỡng đã từng tham gia điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh – bệnh nhân 91.

Vừa đặt chân đến Đà Nẵng, ê kíp của bác sĩ Linh bắt tay vào thực hiện ca phẫu thuật đặt ECMO đầu tiên cho bệnh nhân 416.

Nhiệm vụ đặc biệt của các bác sĩ Chợ Rẫy tại tâm dịch Đà Nẵng - 1

Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) cùng ê kíp là những người được điều động có mặt ở Đà Nẵng từ ngày đầu có dịch

Một tuần sau, khi bệnh nhân ngày càng nhiều lên, bác sĩ Linh được giao nhiệm vụ thiết lập Khoa Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Phổi để chuyển các bệnh nhân mắc Covid-19 đến đây tiếp tục điều trị, nhanh chóng “làm sạch” Bệnh viện Đà Nẵng.

Trong vòng 5 ngày, bác sĩ Linh cùng với ê kíp đã làm việc gần như suốt ngày đêm để thiết lập Khoa Hồi sức cấp cứu đúng chuẩn với đầy đủ hệ thống máy chạy ECMO, máy thở, khí nén, lọc máu, thuốc men, phân luồng một chiều và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chuyên môn kỹ thuật ở khoa này.

“Sau đội đầu tiên của chúng tôi, những ngày sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử nhiều đội khác ra hỗ trợ Đà Nẵng. Hiện tại các đội của Bệnh viện Chợ Rẫy đang làm việc tại 2 bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là 18 người, trong đó tại Bệnh viện Phổi là 12 người”, bác sĩ Ngô Việt Anh cho biết.

Nhiệm vụ đặc biệt của các bác sĩ Chợ Rẫy tại tâm dịch Đà Nẵng - 2

Bác sĩ Trần Thanh Linh đánh giá tình trạng bệnh nhân

Chia sẻ về một ngày làm việc của mình bên trong nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Việt Anh cho biết, công việc thường bắt đầu lúc 7h30 sáng và kết thúc vào lúc 19h giờ đêm.

Khi nhận ca, bác sĩ Việt Anh anh cùng các bác sĩ trong ê kíp sẽ giao ban nhanh để nắm được tình trạng bệnh nhân của ca trực đêm qua. Sau đó, các bác sĩ sẽ đi từng phòng bệnh để khám và đánh giá tình trạng cũng như chăm sóc bệnh nhân. Buổi trưa, mọi người tranh thủ ăn nhanh rồi tiếp tục quay trở lại với công việc của mình. Trong buổi chiều, các sĩ tiếp tục đánh giá tình trạng bệnh nhân từ 1- 2 lần nữa.

“Khi vào phòng bệnh, chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ thường xuyên. Còn khi ra khỏi vào phòng bệnh không cần mặc đồ bảo hộ nhưng phải đeo khẩu trang suốt ngày để tránh lây nhiễm giữa các nhân viên y tế”, bác sĩ Việt Anh nói.

Ở đâu cũng là Tổ quốc mình

Bác sĩ Linh cho biết, khó khăn trong việc điều trị là các bệnh nhân có bệnh nền quá nhiều, lại lớn tuổi (đa phần trên 60 tuổi). Có bệnh nhân bị suy tim, có bệnh nhân bị suy thận mạn, đái tháo đường, tăng huyết áp…

Bản thân những bệnh nhân có bệnh nền này nếu không mắc Covid-19 thì tử lệ tử vong cũng đã rất cao. Khi các bệnh nhân mắc Covid-19, kèm theo tổn thương phổi nặng sẽ gây khó khăn cho các bác sĩ.

Nhiệm vụ đặc biệt của các bác sĩ Chợ Rẫy tại tâm dịch Đà Nẵng - 3

Bác sĩ Ngô Việt Anh theo dõi các bệnh nhân qua hệ thống camera giám sát

“Mặc dù chúng tôi đã xây dựng được hệ thống hồi sức cấp cứu (ICU) tương đối từ máy móc đến trang thiết bị và có sự tham gia điều trị của các bác chuyên gia. Tuy nhiên với những bệnh nhân có bệnh nền nặng thế này, tiến triển của bệnh nhân rất là chậm”, bác sĩ Linh nói.

So sánh các bệnh nhân ở đây với bệnh nhân 91, bác sĩ Linh cho hay bệnh nhân 91 còn trẻ (43 tuổi), chỉ mắc bệnh béo phì nên việc điều trị thuận lợi hơn các bệnh nhân ở Đà Nẵng. Bệnh nhân 91 có những đợt nhiễm trùng, khi kiểm soát được nhiễm trùng thì việc điều trị không gặp khó khăn nữa.

Nhiệm vụ đặc biệt của các bác sĩ Chợ Rẫy tại tâm dịch Đà Nẵng - 4

Hiện tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn còn nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nặng

Bác sĩ Việt Anh cho biết thêm, bệnh nhân 91 may mắn vì thời điểm có bệnh nhân nặng chỉ có mỗi bệnh nhân này nên toàn bộ hệ thống y tế của Việt Nam tập trung lực lượng để chăm sóc cho bệnh nhân.

Thời điểm hiện tại ở Đà Nẵng bệnh rất là đông, tập trung vào những bệnh nhân suy thận mạn, những bệnh nhân đang nằm điều trị ở khoa Hồi sức của Bệnh viện Đà Nẵng. Những bệnh nhân này không mắc bệnh Covid-19 thì tiên lượng cũng đã xấu rồi, giờ mắc bệnh Covid-19 giống như “giọt nước làm tràn ly” vậy.

Chia sẻ cảm giác khi được điều động tăng cường đến Đà Nẵng tham gia chống dịch, bác sĩ Việt Anh cho biết: “Đối với tôi đi đâu cũng là Việt Nam mình, Tổ quốc mình và khi nào Đà Nẵng hết dịch chúng tôi mới về”.