1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiễm giun lươn mà cứ tưởng đau dạ dày

Bệnh nhân nam bị đau bụng, nôn mửa kéo dài, được nhiều cơ sở y tế chẩn đoán, điều trị bệnh đau dạ dày. Tuy nhiên, sự thật, bệnh nhân bị nhiễm giun lươn.

Sáng 17-10, Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM cho hay vừa điều trị thành công một trường hợp nhiễm giun lươn không phát hiện sớm dẫn đến cơ thể suy kiệt.

Bệnh nhân là ông T.N.H. (59 tuổi, người miền Tây). Ông H. nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt nặng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn điện giải, ăn vào là ói.

Qua xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm giun lươn. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân được nâng đỡ thể trạng, cải thiện rối loạn điện giải và suy dinh dưỡng, được cho xuất viện và tái khám theo hẹn.

Sau khi được phát hiện, điều trị đúng bệnh, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt.
Sau khi được phát hiện, điều trị đúng bệnh, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm giun lươn mà trước đó chạy chữa nhiều nơi không tìm ra bệnh.

"Mọi người nên xổ giun định kỳ vì ở Việt Nam, khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho các loại giun sán phát triển, lại thêm việc ăn các thực phẩm không được rửa sạch, nấu chín, dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Nhất là các gia đình có nuôi chó mèo, gia súc gia cầm, sử dụng các nguồn nước tự nhiên như ao hồ, sông suối… càng nên chú trọng việc xổ giun và cẩn thận trong vệ sinh ăn uống" - bác sĩ Bình khuyến cáo.

Ông H. bị chứng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy… và được nhiều cơ sở y tế địa phương chẩn đoán điều trị đau dạ dày, nhiễm trùng đường ruột. Tuy nhiên, lòng vòng điều trị nhiều nơi nhưng triệu chứng đau bụng cứ tái phát kéo dài nhiều tháng khiến cơ thể ngày càng suy kiệt cho đến khi Bệnh viện Nhân dân 115 tìm ra đúng bệnh.

Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động