1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhật bản cấm axit benzoic trong tương ớt nhưng cho phép trong nhiều sản phẩm khác

(Dân trí) - Theo quy định tại Danh mục sử dụng phụ gia ở Nhật Bản ban hành cuối năm 2018, chất axit benzoic (chất chống nấm mốc) không được sử dụng trong tương ớt nhưng được phép sử dụng trong nước tương (xì dầu) với hàm lượng 0,6 g/kg; trứng cá: 2,5 gr/1kg; siro: 0,6 gr/1 kg; bơ thực vật: 1 gr/kg...

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết,  Cục An toàn thực phẩm đã nhận được thông tin từ Mạng lưới Cơ quan ATTP quốc tế (INFOSAN) về việc sản phẩm tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản cũng như nguyên nhân bị thu hồi.

Theo bà Nga axit benzoic là phụ gia thực phẩm (chống nấm mốc) được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng.

Nhật bản cấm axit benzoic trong tương ớt nhưng cho phép trong nhiều sản phẩm khác - 1

Tại Việt Nam phụ gia thực phẩm axit benzoic cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau và hàm lượng axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1 gr/kg sản phẩm tương ớt.

Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1000mg/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Lý giải việc Nhật Bản cấm dùng tương ớt Chinsu có chất chống mốc trong khi hàng trăm quốc gia vẫn cho sử dụng chất này với hàm lượng nhất định, bà Nga cho biết theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những các quốc gia nếu áp dụng tiêu chuẩn của Codex thì không phải cung cấp bằng chứng. Còn những quốc gia không sử dụng sẽ phải có những bằng chứng để chứng minh về tổng quan sử dụng thực phẩm của nước họ và lý do tại sao không quy định đối với các phụ gia trong từng đối tượng thực phẩm cụ thể.

 “Chúng tôi có tìm hiểu thì được biết Nhật Bản vẫn cho phép sử dụng phụ gia axit benzoic mà chỉ không cho phép sử dụng trong sản phẩm tương ớt", bà Nga nói.

Ngoài ra, theo quy định tại Danh mục sử dụng phụ gia ở Nhật Bản ban hành cuối năm 2018 chất này được phép sử dụng trong nước tương (xì dầu) với hàm lượng 0,6 g/kg; trứng cá: 2,5 gr/1kg; siro: 0,6 gr/1 kg; bơ thực vật: 1 gr/kg...

"Có thể khi người dân sử dụng một sản phẩm gia vị trong số này với số lượng lớn (như xì dầu) thì họ sẽ quy định chất này không được có trong gia vị khác”, bà Nga nói.

Được biết Cục ATTP đã có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn yêu cầu xác minh thông tin về việc sản phẩm tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản hay không? Vì đây là sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của bộ này.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm