Nhận biết sức khỏe qua nước bọt

(Dân trí) - Có lẽ bạn chẳng mấy quan tâm đến việc cơ thể sản xuất khoảng 150ml nước bọt mỗi ngày dù chúng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe.

Nước bọt được coi là một chất sát trùng tự nhiên. Nó giúp duy trì sức khỏe của nước răng, ngăn ngừa sâu răng, rửa trôi các mảnh vụn thức ăn và giúp chống lại các nhiễm trùng khác.

Tuy nước bọt chỉ ở trong miệng, nhưng tình trạng của nó cũng có thể cung cấp manh mối về những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn. Hãy lưu tâm đến những dấu hiệu sau đây:

 

Nhận biết sức khỏe qua nước bọt - 1

 

1. Nước bọt tiết ra ít

Có thể là do thuốc. Có trên 300 loại thuốc, như thuốc trị nghẹt mũi và chữa dị ứng có tác dụng phụ gây khô miệng. Tình trạng khô miệng thường tăng lên khi bạn có tuổi và những vấn đề sức khỏe buộc bạn phải dùng nhiều thuốchơn.

Nếu bạn đang sử dụng thuốc nào đó và thấy miệng bị khô thì cần tăng cường cảnh giác về vệ sinh răng miệng để tránh sâu răng. Chải răng hàng ngày, đánh răng bằng kem đánh răng chứa fluorid và định kì đi khám bác sĩ nha khoa.

2. Nước bọt trắng và vón cục

Bạn có thể đang bị nhiễm trùng ở miệng. Nấm Candida albicans có thể gây nhiễm nấm ở miệng, tình trạng hay được gọi là “nhiệt miệng”. Tuy nhiệt miệng ít xảy ra ở người lớn khỏe mạnh, song những người bị tiểu đường đặc biệt dễ bị vì đường trong nước bọt có thể khiến nấm phát triển.

Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn thuốc chống nấm bôi trong miệng để điều trị.

3.Nước bọt có những phân tử ARN

Được ví như cửa sổ của cơ thể, xét nghiệm nước bọt có thể cung cấp nhiều thông tin về cấu trúc di truyền và các hoóc môn của bạn. Từ bệnh tiểu đường tới ung thư, nước bọt tỏ ra là một công cụ chẩn đoán có triển vọng đối với nhiều bệnh ngang với xét nghiệm máu.

Xét nghiệm nước bọt có thể đánh giá tình trạng các nội tiết tốt như melatonin, giúp hiểu rõ hơn về nhịp sinh học của cơ thể, và cũng giúp các bác sĩ đưa ra những lời khuyên tốt hơn về việc ngủ, ăn uống và giảm cân.

4. Nước bọt quá a xít

Bạn không thể thực sự cảm nhận được sự khác biệt, nhưng môi trường trong miệng có pH trung tính (khoảng bằng 7). Bác sĩ nha khoa có thể nhanh chóng đánh giá độ pH của nước bọt bằng que thử hoặc dung dịch thử. Nếu pH giảm xuống thì vi khuẩn có thể nhanh chóng sinh sôi và gây bệnh cho răng.

Nước bọt có tính a xít cũng làm mòn răng và khiến răng bị sâu.

Ăn những thực phẩm giàu arginin, như thịt đỏ hoặc thịt gia cầm, có thể làm giảm độ a xít của nước bọt.

5. Nước bọt quá nhiều

Có thể bạn đang mang thai. Phụ nữ có thai thường tiết nhiều nước bọt hơn. Nguyên nhân có thể là do thay đổi nội tiết hoặc chỉ là tác dụng phụ của cảm giác buồn nôn. Điều này không gây ra nguy cơ thực sự nào đối với sức khỏe, trừ việc bạn phải nhổ nước bọt nhiều hơn khi nói chuyện.

Nhai kẹo cao su hoặc kẹo cứng có thể giúp bạn nuốt bớt lượng nước bọt thừa này.

6. Nước bọt có vị đắng hoặc chua

Cần nghĩ đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trào ngược khiến a xít từ dạ dày đi ngược lên họng, gây cảm giác vướng ở cổ. Ngoài vị chua trong miệng và họng, triệu chứng hay gặp nhất của trào ngược là ợ nóng. Bạn cũng có thể gặp phải những vấn đề như hơi thở hôi hoặc buồn nôn.

Nếu được chẩn đoán trào ngược, bác sĩ có thể đề xuất những thay đổi về lối sống như giảm cân, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ và các gia vị cay nóng.

7. Cảm giác khô dính trên lưỡi

Có thể là do bạn thở bằng miệng. Hít thở qua mũi là cách tốt nhất để miệng không bị khô. Vì nước bọt là chất sát trùng tự nhiên trong miệng, nên nếu không có nước bọt thì vi khuẩn và râu răng sẽ tấn công. Nghiên cứu đã cho thấy ở trẻ em và người lớn, việc thở bằng miệng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe như chứng ngừng thở khi ngủ.

Nếu thở bằng miệng là vấn đề thì bạn nên đi khám bác sĩ.

Cẩm Tú

Theo MSN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm