Nguy hiểm khi tự dùng giun đất chữa Covid-19 theo "chuyên gia mạng"
(Dân trí) - Thời gian vừa qua, thông tin địa long (giun đất) có thể chữa được bệnh Covid-19 xuất hiện trong nhiều bài viết trên mạng xã hội.
Đáng chú ý, một Fanpage được cho là của nữ diễn viên nổi tiếng tại TPHCM đã liên tục đăng tải các bài viết về công dụng "thần kì" của giun đất trong điều trị Covid-19 và khuyến khích mọi người tự sử dụng để phòng ngừa và điều trị bệnh.
Để tăng thêm độ tin cậy, Fanpage này còn chia sẻ câu chuyện về 4 người trong một gia đình ở TPHCM mắc Covid-19 đã dùng loại thuốc có thành phần chính là giun đất và đã hết các triệu chứng, kể cả tình trạng thiếu oxy trong máu.
"Người dân không được tự dùng giun đất để điều trị Covid-19 vì có thể gây nguy hiểm nếu dùng sai", đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý y - dược cổ truyền, Bộ Y tế, trong cuộc phỏng vấn với Dân trí về vấn đề này.
Theo PGS Khánh, giun đất hay trong đông y được gọi là địa long có tính hàn, có tác dụng hoạt huyết và được sử dụng trong các bài thuốc đông y để chữa các trường hợp bị ứ huyết như chữa di chứng, tai biến mạch máu não do đông máu hoặc phối hợp các vị khác chữa sốt rét. Trong khi đó, đông máu cũng là một tình trạng nguy hiểm mà bệnh nhân Covid-19 có thể mắc phải. Do đó, nhiều trang mạng dựa vào mối liên quan này để "quảng cáo" về khả năng điều trị Covid-19 của giun đất.
Trên thực tế, để đưa một bài thuốc vào phác đồ điều trị cần qua giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm nghiêm ngặt và cho đến nay, bài thuốc từ địa long không có trong hướng dẫn điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bộ Y tế.
PGS Khánh chia sẻ: "Tôi xin nhấn mạnh rằng, y học cổ truyền thể tham gia cùng y học hiện đại để kết hợp điều trị Covid-19. Tuy nhiên, bất kì việc điều trị nào cũng cần có phác đồ chuẩn, thông qua thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Việc người dân tự ý sử dụng giun đất để điều trị Covid-19 là lợi bất cập hại".
Theo ông, nhiều người dân lầm tưởng việc sử dụng thuốc đông y là an toàn 100%. Tuy nhiên, thực tế là khi sử dụng không đúng thuốc, không đúng liều đặc biệt là trong điều trị các bệnh cấp tính, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Cũng giống như tây y, khi sử dụng các bài thuốc đông y cần phải được thăm khám để đánh giá tình trạng sức khỏe, từ đó kê đơn thuốc cũng như liều dùng phù hợp.
"Tình trạng đông máu theo đông y có thể chữa bằng các bài thuốc hoạt huyết. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không bị đông máu mà tùy ý sử dụng các bài thuốc hoạt huyết thì có thể gây chảy máu rất nguy hiểm. Ngoài ra, địa long có tính hàn, với những người đang gặp tình trạng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy mà sử dụng sẽ khiến bệnh nặng lên", PGS Khánh nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng chia sẻ thêm rằng, nguyên tắc một bài thuốc đông y phải có đủ các thành phần "Quân - Thần - Tá - Sứ" mới đem lại hiệu quả chữa trị. Ví dụ như khi bệnh nhân bị đông máu ở mao mạch phổi thì ngoài thành phần hoạt huyết phải có thêm vị thuốc để dẫn vào phổi, rồi thêm vị thuốc tiêu đàm,… Không đơn giản là chỉ dùng một vị thuốc có thể đem lại giá trị chữa bệnh.
"Do đó, một lần nữa nhấn mạnh rằng, người dân không nên nghe theo các bài thuốc được lan truyền trên mạng. Không những không đem lại hiệu quả mà còn có thể tiềm ẩn những nguy cơ lớn với sức khỏe", PGS Khánh nói.
Thay vào đó, khi tự điều trị Covid-19 tại nhà, các bệnh nhân có thể kết hợp sử dụng các bài thuốc từ dược liệu đã được cấp phép để hỗ trợ điều trị triệu chứng. Ví dụ như hàng ngày xịt rửa bằng thuốc xịt họng, xịt mũi để giảm ho, tiêu đờm...