1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguy cơ sống phụ thuộc cả đời vì bán thận “chui”

(Dân trí) - Theo một bác sĩ chuyên về thận cho biết, việc đi bán thận “chui” rất nguy hiểm bởi không chỉ bị mất thận mà người bán còn có nguy cơ bị cắt những phần nội tạng khác, chưa kể bị bệnh suy thận sau này và còn có thể tử vong ngay trên giường mổ.

 

Nguy cơ sống phụ thuộc cả đời vì bán thận “chui”  - 1

Một trường hợp điển hình thân tàn sau khi đi bán thận “chui”
 

Vừa qua, CQĐT Công an TP.Cần Thơ đã triệt phát một đường dây bán thận quy mô lớn sang Trung Quốc liên quan đến nhiều đối tượng đứng ra tổ chức và gần 20 nạn nhân. Theo kết quả giám định tỷ lệ thương tích của ngành y tế thì 3 trong nhiều nạn nhân của đường dây này có tỷ lệ thương tích đến 41%, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sau này.

 

Để làm rõ hơn sự ảnh hưởng của việc cắt thận, Dân trí có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Ngọc Sinh- Trưởng Khoa Tiết niệu (BV Chợ Rẫy), Chủ tịch Hội Niệu- Thận học TPHCM và ông khẳng định : quả thận là một trong những tài sản vô giá của con người vì thế mang đi “bán mấy chục triệu đồng” là việc không chấp nhận được cho dù dưới bất kỳ hoàn cảnh nào.

 

Và việc dẫn đến buôn bán thận hiện nay là do có thể ghép thận của người này với người khác (có thể 2 người hoàn toàn xa lạ, không phù hợp gen, nhóm máu) nhưng tỷ lệ thành công không lâu dài. 
 

Ngoài ra, trong việc phẫu thuật cắt thận phải trải qua nhiều giai đoạn với những tiêu chuẩn khác nhau. “Thông thường trong các cơ sở y tế chuyên cắt, ghép thận sẽ tiến hành các bước xét nghiệm rất kỹ người cho thận vì phải đảm bảo người này thật đầy đủ sức khỏe. Khi cắt đi 1 quả thận, quả còn lại có thể không đảm đương nổi chức năng hoạt động của cơ thể thì nguy cơ bị bệnh suy thận là rất cao”, PGS.TS Sinh nhấn mạnh.

 

Chưa kể tỷ lệ tử vong trong quá trình cắt thận không phải không xảy ra, trung bình cứ 100 người thì có thể sẽ có 1 người chết. Nếu đi mổ tại những cơ sở y tế không đàng hoàng thì nguy cơ tử vong trên bàn mổ là rất cao.

 

Ngoài ra, khi trong quá trình gây mê để mổ thì rất có thể người bị cắt thận còn bị cắt một số phủ tạng khác như gan, song tỷ lệ này rất hiếm bởi cắt gan rất dễ chết. “Nhưng một điều nguy hại trong việc đi bán thận “chui” là nơi cắt sẽ truyền cho người này máu không tốt (không có gì để kiểm chứng, xét nghiệm), nguy cơ nhiễm dịch bệnh thì hậu quả thật rất khó lường”, PGS.TS Sinh nói.

 

Huỳnh Hải