1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguy cơ nhiễm trùng mắt nghiêm trọng từ kính áp tròng

(Dân trí) - Nhiều người vẫn đeo kính áp tròng khi đi ngủ. Thói quen xấu này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến mất thị lực.

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng việc ngủ quên hoặc thậm chí ngủ trưa mà không tháo kính áp tròng có thể làm gia tăng đáng kể khả năng gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng về mắt.

Nguy cơ nhiễm trùng mắt nghiêm trọng từ kính áp tròng  - Ảnh 1.

Đeo kính áp tròng liên tục và không đúng cách sẽ có tác hại rất nghiêm trọng cho mắt.

"Nếu bạn muốn tránh nhiễm trùng mắt thì việc khám, chăm sóc mắt ở những phòng khám định kỳ là điều bắt buộc", tiến sĩ Jon Femling, đến từ Đại học New Mexico, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Trong nghiên cứu của Jon Femling mới được báo cáo gần đây đã đề cập tới sáu trường hợp những người bị nhiễm trùng mắt nghiêm trọng sau khi họ ngủ trong khi vẫn đeo kính áp tròng. Sáu bệnh nhân này đã bị viêm giác mạc, nhiễm trùng do nấm, amip hoặc virút gây ra.

Những bệnh nhân trên sẽ phải cần nhiều tháng điều trị để giải quyết các bệnh nhiễm trùng. Thậm chí, một số ca còn phải ghép giác mạc nếu quá nặng.

Những ca nhiễm trùng này có thể rất khó điều trị và thường yêu cầu bệnh nhân bôi thuốc nhỏ mắt kháng sinh mỗi giờ trong vài tuần hoặc vài tháng.

Một trường hợp khác trong báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Mỹ (CDC), một người bệnh nhân 34 tuổi cho biết anh ta đã ngủ trong khi vẫn đeo kính áp tròng ít nhất ba đến bốn đêm mỗi tuần, cũng như đeo nó khi bơi.

Bệnh nhân này đã có những triệu chứng như bị đỏ và mờ mắt ở mắt trái. Mặc dù trải qua 2 tháng điều trị nhiễm trùng mắt do vi khuẩn và nấm nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện.

Sau khi điều trị dai dẳng không khỏi, các bác sĩ mới phát hiện ra anh bị nhiễm trùng mắt bởi một loại amip đơn bào có tên Acanthamoeba. Theo CDC, loài amip này thường được tìm thấy trong tự nhiên.

Việc nhiễm Acanthamoeba ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng mắt mà không hiệu quả với các phương pháp điều trị ban đầu sẽ cần một loại thuốc riêng để điều trị.

Phải mất tới 6 tháng điều trị bằng loại thuốc đặc trị, bệnh nhân mới khỏi hoàn toàn nhưng vẫn bị giảm thị lực.

Để ngăn ngừa nhiễm trùng mắt do kính áp tròng, CDC khuyến nghị người dùng nên:

*Rửa tay trước khi chạm vào kính áp tròng.

*Tháo kính áp tròng trước khi ngủ, tắm hoặc bơi.

*Chà và rửa kính áp tròng bằng dung dịch khử trùng mỗi khi chúng được lấy ra.

*Thay thế dung dịch kính áp tròng cũ bằng dung dịch mới mỗi khi bảo quản kính áp tròng trong hộp.

*Làm sạch các trường hợp kính áp tròng sau mỗi lần sử dụng.

Hưng Nguyễn (Theo Foxnews)