Nguy cơ kháng kháng sinh ở vi khuẩn gây mụn trứng cá

(Dân trí) - Nguyên nhân của mụn trứng cá là tình trạng sản sinh quá nhiều các chất bã nhờn trên da, gây bít tắc nang lông, biến nó thành môi trường nuôi dưỡng lí tưởng cho vi khuẩn propionibacterium: loại vi khuẩn gây ra mụn đầu trắng, mụn đầu đen và nang trứng cá đỏ.

 

Chất bã nhờn tiết ra quá nhiều trên da là nguyên nhân dẫn đến mụn trứng cá
Chất bã nhờn tiết ra quá nhiều trên da là nguyên nhân dẫn đến mụn trứng cá

Mụn trứng cá là bệnh rất hay gặp -  ước tính 80% số vị thành niên bị mụn trứng cá ở một giai đoạn nào đó, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở người lớn. Sự mất cân bằng nội tiết trong một số bệnh, ví dụ đa nang buồng trứng (PCOS) có thể dẫn đến kích thích qúa mức tuyến bã, khiến da nhờn hơn và tăng nguy cơ bị mụn.

Và từ nhiều thập kỉ qua kháng sinh đã là biện pháp điều trị chủ đạo đối với mụn trứng cá nhờ tác dụng diệt Propionibacterium.

Vấn đề là ở chỗ các thuốc này đang nhanh chóng bị mất đi sức mạnh của mình do vi khuẩn đang ngày càng trở nên kháng lại kháng sinh.

Một nghiên cứu trên tạp chí Clinical Therapy, năm 2002, cho thấy các chủng vi khuẩn Propionibacterium kháng kháng sinh có thể xuất hiện chỉ 8 tuần sau khi điều trị.

Trong khi đó, theo nghiên cứu trên tạp chí của Hội Da liễu Mỹ, các bác sĩ thường để bệnh nhân bị trứng cá nặng điều trị kháng sinh trong trung bình 11 tháng.

Còn theo nghiên cứu gây đây của Harrogate và District NHS Foundation Trust, 4/5 số người bị mụn trứng cá ở Anh có thể kháng với những kháng sinh được kê đơn thông dụng, như erythromycin, clindamycin và tetracycline.

Hơn nữa, kháng sinh có thể giúp ngăn ngừa mụn trứng cá nặng ở những phụ nữ PCOS nhưng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Trong những trường hợp này, sự mất cân bằng hoóc môn thường được điều chỉnh bằng thuốc tránh thai.

“Rõ ràng là việc kê đơn kháng sinh quá mức trong thời gian dài cho phép vi khuẩn hình thành tính kháng thuốc trong một số trường hợp,” GS Nick Lowe, bác sĩ da liễu của bệnh viện Cranley ở London phát biểu.

Theo các chuyên gia, chỉ nên dùng kháng sinh cho những trường hợp mụn trứng cà vừa và nặng, và sử dụng không quá 90 ngày. Một số bệnh nhân có thể dùng trong thời gian dài hơn nhưng rất hiếm.

Và với những trường hợp bị kháng kháng sinh, bệnh nhân chỉ còn trông chờ vào các loại kem hoặc sữa rửa mặt kháng khuẩn kém hiệu quả hoặc điều trị bằng laser và ánh sáng (những loại tia này đâm xuyên qua da và tiêu diệt vi khuẩn).

Trên thực tế những trường hợp trứng cá kháng kháng sinh đầu tiên đã được ghi nhận năm 1979, và kể từ đó vi khuẩn Propionibacterium đã hình thành tính kháng với erythromycin, clindamycin và tetracycline.

Cẩm Tú

Theo DM