TPHCM:
Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng
(Dân trí) - Nhiều quận huyện trên địa bàn bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đã tăng trên 100% so với tháng trước. Nắng mưa thất thường đang tạo điều kiện cho muỗi và vi rút gây bệnh phát triển mạnh, thành phố đứng trước nguy cơ bùng phát dịch.
Trước tình hình bệnh nhân ùn ùn nhập viện do một số loại dịch bệnh như hô hấp, tiêu chảy đặc biệt là sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tại các bệnh viện, chiều 24/7 Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn để bàn công tác đối phó.
Nguy hiểm hơn là dịch bệnh SXH. Chưa tính lượng bệnh nhân đến khám thì mỗi ngày các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đang phải tiếp nhận khoảng 50 ca điều trị nội trú.
Chưa hết bảy tháng đầu năm nhưng thành phố đã có tới 5.685 ca SXH. Bệnh bắt đầu tăng cao từ tháng 5 và “bứt tốc” từ đầu tháng 7. Thống kê hơn 20 ngày của tháng 7, số ca SXH trên địa bàn phải nhập viện là 1.120 ca. Nhiều quận huyện như quận 1, quận 10, huyện Hóc Môn… số bệnh nhân mắc SXH đã tăng lên trên 100% so với tháng trước.
BS Nguyễn Đắc Thọ nhận định hai loại bệnh nguy hiểm này đang vào mùa và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đặc biệt với bệnh tay chân miệng, số trẻ mắc bệnh có nguy cơ sẽ tăng vọt vào thời điểm tựu trường.
Trước tình hình trên, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tại các quận huyện và các bệnh viện khẩn trương triển khai các biện pháp phòng và dập dịch. Ngành Y tế thành phố đặt chỉ tiêu phấn đấu trong ba tháng 8, 9 và 10 số ca nhập viện do bệnh TCM chỉ ở mức dưới 250 ca mỗi tuần và số ca sốt xuất huyết không quá 300 ca mỗi tuần.
Theo BS Nguyễn Đắc Thọ dịch bệnh “nóng” là do hoạt động can thiệp tại cộng đồng không thường xuyên và có khuynh hướng chủ quan. BS khuyến cáo người dân cần tăng cường vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần tại khu vực sinh hoạt và vui chơi của trẻ để phòng bệnh TCM cho các bé. Muốn tránh muỗi gây bệnh SXH, người dân phải thường xuyên ngủ mùng, giữ nhà cửa thoáng mát, phát quang bụi rậm quanh nhà, lật úp hoặc đậy kín các vật dụng có khả năng chứa nước mưa, khơi thông ao tù nước đọng… để muỗi gây bệnh không còn nơi sinh sôi phát triển.
Vân Sơn