Nguồn cung ứng vật tư chống dịch virus corona đang cạn kiệt nhanh chóng

(Dân trí) - Các ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trên toàn thế giới, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo nguồn cung ứng vật tư cho nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch đang "cạn kiệt nhanh chóng".

Nguồn cung ứng vật tư chống dịch virus corona đang cạn kiệt nhanh chóng - 1

Bức ảnh được chụp ngày 18 tháng 2 cho thấy một bác sĩ đã hồi phục sau khi nhiễm virus corona COVID-19 hiến huyết tương ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Tổng Giám đốc WHO, TS Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nguồn cung ứng vật tư cho nhân viên y tế điều trị bệnh nhân đang cạn kiệt và thúc giục các công ty và các quốc gia đẩy mạnh sản xuất.

Sự thiếu hụt đang khiến các bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác trên tuyến đầu gặp nguy hiểm về trang thiết bị trong chăm sóc bệnh nhân Covid-19", TS Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo.

Tính đến thứ Ba, đã có 90.893 người ở 76 quốc gia bị nhiễm virus, theo WHO, bao gồm 12 quốc gia báo cáo trường hợp đầu tiên. Sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới đã làm tăng mức độ sợ hãi, đẩy giá các trang bị bảo hộ quan trọng lên cao và gây áp lực lên nguồn cung ứng vật tư y tế.

WHO ước tính cần 89 triệu khẩu trang y tế, 76 triệu găng tay và 1,6 triệu kính bảo hộ mỗi tháng để nhân viên y tế ứng phó với dịch bệnh. Nếu không bảo vệ những nhân viên y tế ở tuyến đầu, sẽ không thể ngăn chặn Covid-19, theo TS Ghebreyesus.

"WHO đã chuyển gần nửa triệu bộ trang bị bảo hộ cá nhân tới 27 quốc gia nhưng nguồn cung đang cạn kiệt nhanh chóng. Nguồn cung có thể mất vài tháng để giao hàng, sự thao túng thị trường đang lan rộng và hàng thường được bán cho người trả giá cao nhất."

Người tiêu dùng ở Mỹ và các nước đã tìm đến các cửa hàng để mua khẩu trang nhưng mặt hàng này hầu như đã hết. Tình trạng thiếu hụt tại các cửa hàng buộc họ phải tìm mua trên mạng, nơi giá cả đã tăng vọt trên các trang web như Amazon và eBay. Các quan chức của WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã liên tục đưa ra những lời khuyên nói rằng khẩu trang cho người khỏe mạnh là biện pháp phòng ngừa không cần thiết và một bác sĩ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích căn bệnh “cuồng” dự trữ hàng hóa này.

"Mọi người hãy nghiêm túc dừng mua khẩu trang", Bác sĩ ngoại khoa Jerome Adams đăng trên Twitter. "Chúng không trong việc ngăn người bình thường khỏi nhiễm virus corona, nhưng nếu các nhân viên y tế không có khẩu trang để chăm sóc bệnh nhân bị bệnh, điều đó sẽ khiến họ và cộng đồng gặp nguy hiểm!"

Để khẩu trang có hiệu quả, bác sĩ Frank Esper, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi tại Bệnh viện Cleveland, nói rằng chúng phải vừa vặn và cũng phải được thay thường xuyên, một điều không thực tế đối với người bình thường ở nơi công cộng.

Ngoài ra, virus có thể truyền từ khẩu trang sang tay của một người khi tháo khẩu trang ra. Sau đó, khi người đó chạm vào miệng, họ có thể bị nhiễm bệnh, do đó làm thất bại mục đích của mặt nạ.

Tại Mỹ, nơi đã có 60 trường hợp đã xác nhận và nghi ngờ, Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh dự đoán nhân viên y tế sẽ cần 300 triệu khẩu trang để ứng phó với dịch bệnh. Mỹ hiện có 40 triệu, theo Phó Tổng thống Mike Pence, người cho biết chính phủ đang hợp tác với các công ty để thúc đẩy sản xuất.

Trên toàn cầu, WHO ước tính rằng việc cung cấp trang bị bảo hộ cá nhân cần tăng 40%. TS Ghebreyesus kêu gọi các công ty và các quốc gia đóng góp để tăng sản lượng và lấp đầy sự thiếu hụt trong nguồn cung.

"Điều này không thể được giải quyết chỉ bởi một mình WHO hoặc một ngành công nghiệp, nó đòi hỏi tất cả chúng ta cùng hợp tác để đảm bảo tất cả các quốc gia có thể bảo vệ tất cả những người đang bảo vệ chúng ta", Ts Ghebreyesus nói.

Cẩm Tú

Theo Newsweek