Người Việt mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất châu Á

Tú Anh

(Dân trí) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự báo tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng cao trong những năm tới. Đến năm 2030, căn bệnh này sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

Thông tin trên được chuyên gia cho biết tại Lễ mít tinh và hội thảo khoa học hưởng ứng Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) toàn cầu năm 2024, diễn ra ngày 15/11 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, COPD là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, tần suất mắc COPD đứng cao nhất khu vực châu Á và Thái Bình Dương, với tỷ lệ 10,3%.

Người Việt mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất châu Á - 1

Các đại biểu đạp xe diễu hành tuyên truyền về bệnh COPD (Ảnh: Thế Anh).

Phát biểu tại sự kiện, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO Việt Nam cho biết, mỗi năm ước tính có 3 triệu người trên toàn cầu tử vong do COPD. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên do dân số thế giới già đi và tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá và phơi nhiễm với khói bụi, các hạt và khí độc hại.

PGS Cơ cho biết, việc kiểm tra chức năng phổi cho người dân bằng đo chức năng hô hấp vừa để sàng lọc, chẩn đoán bệnh COPD, đồng thời để kiểm soát tốt sức khỏe lá phổi trong suốt cuộc đời là rất quan trọng.

"Chức năng phổi còn là một trong những yếu tố quan trọng dự báo sức khỏe tổng quát của mỗi người. Khói thuốc lá, ô nhiễm không khí và nhiễm trùng đường hô hấp là những yếu tố nguy cơ gây bệnh phổi mạn tính.

Với sự phối hợp đa chuyên khoa, Bệnh viện Bạch Mai đã tích cực chung tay cùng các đồng nghiệp thực hiện hiệu quả các chương trình sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hô hấp trong nhiều năm qua", PGS Cơ thông tin.

Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, dự án phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đến nay mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Dự án đã thành lập và duy trì hoạt động hơn 300 phòng quản lý ngoại trú, 3.000 trạm y tế xã/phường triển khai hoạt động dự phòng và phát hiện sớm người bệnh COPD, 700.000 người bệnh COPD và hen phế quản được quản lý tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó là các công tác về đào tạo, tập huấn, xây dựng các mô hình mẫu tại các tuyến y tế địa phương, xây dựng tài liệu chuyên môn, tổ chức khám sàng lọc tại Bệnh viện Bạch Mai và các địa phương, truyền thông giáo dục sức khỏe... diễn ra thường quy, góp phần quan trọng phòng chống bệnh COPD.

TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, COPD không thể chữa khỏi nhưng có thể cải thiện các triệu chứng nếu tránh hút thuốc và tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ.

"Hãy tránh xa thuốc lá, tránh xa môi trường ô nhiễm không khí và khói bụi nghề nghiệp, duy trì hoạt động thể chất như tập thể dục thường xuyên hoặc vật lý trị liệu để phục hồi chức năng phổi và luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh và giàu chất chống oxy hóa.

Người bệnh COPD cần tiêm phòng đầy đủ vaccine, đặc biệt là vaccine phòng cúm và phế cầu, tái khám định kỳ và tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị để kiểm soát bệnh", TS Hằng khuyến cáo.

COPD là một bệnh có thể dự phòng và điều trị sớm để tránh các biến chứng nặng. Bệnh COPD với biểu hiện đặc trưng là sự hạn chế không khí vào phổi và không có khả năng phục hồi hoàn toàn.

Sự hạn chế không khí vào phổi thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường ở phổi do các phân tử hoặc khí độc hại. Một trong các yếu tố nguy cơ cao đối với COPD là khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường và nhiễm trùng đường hô hấp.