Người “tuyên chiến” với căn bệnh ung thư

(Dân trí) - Nghỉ hưu, mặc kệ sự phản đối của vợ con “bắt” phải nghỉ ngơi, từ chối lời mời làm việc với mức lương “khủng” lên đến 100 triệu đồng/tháng, ông quyết định về quê “tuyên chiến” với căn bệnh ung thư.

Từ chối 100 triệu đồng/tháng, nhận lương 10 triệu

Cuộc trò chuyện với đại tá, P.GS, TS. Nguyễn Trung Chính - cố vấn cao cấp Bệnh viện Ung bướu Nghệ An liên tục bị gián đoạn bởi những cú điện thoại của bệnh nhân nhờ tư vấn.

Đặt chiếc điện thoại xuống bàn, đôi mắt ông chùng xuống: “Hiện nay có hơn 50 bệnh nhân trên khắp cả nước đăng kí thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc để chữa trị căn bệnh ung thư vú nhưng ngặt nổi phòng ốc, thiết bị kỹ thuật và con người ở đây chưa thể đáp ứng được số lượng bệnh nhân nhiều như thế”.

Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Trung Chính - cố vấn cao cấp Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Trung Chính - cố vấn cao cấp Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

P.GS, TS. Nguyễn Trung Chính nguyên là Chủ nhiệm khoa Ung bướu Bệnh viện 108. Năm 2003, ông là 1 trong 2 bác sỹ của cả nước thực hiện thành công kỹ thuật ghép tủy xương trong chữa trị căn bệnh ung thư. Năm 2012, đại tá Nguyễn Trung Chính nhận quyết định nghỉ hưu. Đáng lẽ có thể an nhàn tận hưởng thú vui tuổi già nhưng ông lại quyết định về Nghệ An để tiếp tục sự nghiệp cứu người của mình.

“Ngày quyết định về quê, vợ con phản đối dữ lắm. Các con bảo bố vất vả cả đời rồi, giờ có thể nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu. Nhưng nghĩ thế nào được. Mình còn “nặng nợ” với quê hương lắm. Ngày đang công tác ở Bệnh viện 108, chứng kiến bà con người Nghệ mình khăn gói ra Hà Nội, vạ vật để chữa bệnh, tôi đã ấp ủ kế hoạch thành lập một bệnh viện ung bướu cấp khu vực ở Nghệ An. Rồi lời hứa với anh Trung (nguyên Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Thế Trung – PV) nữa nên quyết định về quê “hưởng tuổi già” luôn”, bác sỹ Chính tâm sự.

Biết tin ông nghỉ hưu, nhiều bệnh viện lớn, trang thiết bị hiện đại bậc nhất Việt Nam đã đến mời ông về làm việc hay cố vấn cho bệnh viện với mức lương “khủng” 5.000USD/tháng. Không chút luyến tiếc nào ông khước từ lời mời đó và trở về quê hương thực hiện tâm nguyện của mình. Ông về xứ Nghệ gây dựng lại từ đầu. Ban đầu, chỉ là kế hoạch thành lập Khoa ung bướu nhưng với nhu cầu thực tiễn, ông “xin” dự án thành lập Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Được cái, kế hoạch của ông được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế ủng hộ nhiệt tình nên cũng thuận buồm xuôi gió.

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An được thành lập với kỳ vọng sẽ là trung tâm điều trị ung bướu cho cả khu vực Bắc Miền Trung. Đại tá, PGS, TS Nguyễn Trung Chính trở thành cố vấn cao cấp của bệnh viện với mức lương… 10 triệu đồng/tháng.

Bác sỹ Chính cùng đồng sự tư vấn cho bệnh nhân.
Bác sỹ Chính cùng đồng sự tư vấn cho bệnh nhân.

“Vừa rồi bệnh viện ngoài Hà Nội tiếp tục mời ra làm việc và sẵn sàng tăng lương lên gấp đôi nhưng tôi vẫn quyết định ở lại đây. Cứ đầu tuần vào thành phố Vinh làm việc, cuối tuần lại ra Hà Nội với vợ con. Tuy có vất vả nhưng được yêu, được sống với nghề, đặc biệt là được thấy niềm vui hồi sinh của bệnh nhân. Đối với người bác sỹ, đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất”, bác sỹ Chính tâm sự.

Mang hi vọng cho những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú

Ngày 31/12/2013, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An thực hiện ca phẫu thuật bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đầu tiên. Bênh nhân Hoàng Thị Hằng (SN 1991, trú tại xã Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An) được chẩn đoán u Lympho ác tính không Hodykin. Để thực hiện được ca phẫu thuật phức tạp này, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An phải mất 2 năm chuẩn bị và cử cán bộ đi học cũng như xây dựng khu phẫu thuật đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Từ thành công bước đầu này, bác sỹ Nguyễn Trung Chính và đội ngũ cộng sự của mình bắt tay vào thực hiện các ca phẫu thuật ghép tế bào gốc tự thân chữa trị cho các bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú. “Hiện tại chúng tôi đã thực hiện thành công 3 trường hợp, trong đó 2 bệnh nhân đã được xuất viện, 1 bệnh nhân sẽ xuất viện vào tuần sau. Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện ca phẫu thuật thứ 4. Bệnh nhân bị ung thư vú, di căn lên não, cột sống”, bác sỹ Chính cho biết.

Đinh Thị Liễu (SN 1963, trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) là bệnh nhân đầu tiên trong cả nước được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư vú thành công trong cuộc phẫu thuật diễn ra vào ngày 12/11/2014. Sau quãng thời gian chiến đấu giữa sự sống và cái chết, hiện bà Liễu đang dần hồi phục sức khỏe và có thể thực hiện một số công việc nhẹ nhàng. Tuy nhiên, theo định kì bà vẫn phải đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An kiểm tra sức khỏe và được khuyến cáo tránh xa môi trường làm việc độc hại bởi các tế bào mới chưa đủ sức kháng cự với các mầm bệnh.

Bác sỹ Chính cùng đồng sự tư vấn cho bệnh nhân.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo (quê Kỳ Sơn, Nghệ An) trước lúc thực hiện phẫu thuật ghép tế bào gốc tự thân.

Về phương pháp phẫu thuật ghép tế bào gốc đang được triển khai tại đây, bác sỹ Nguyễn Trung Chính cho biết: “Đầu tiên, chúng tôi gạn lấy tế bào lành của bệnh nhân và đưa vào bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C. Sau đó sẽ diệt toàn bộ tế bào ung thư từ gốc, làm sạch tủy và ghép các tế bào lành tính. Người bệnh không cần sử dụng thuốc chống thải ghép, tỷ lệ lui bệnh sau 5 năm sẽ đạt mức 80 - 90%, trong khi các phương pháp khác như hóa trị liệu hay xạ trị mức độ thành công chỉ đạt 50 - 60%.

Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Sau khi ghép tế bào gốc thành công, khả năng kháng khuẩn của các tế bào mới này gần như bằng không. Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong quá trình điều trị, chăm sóc sau phẫu thuật cũng có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng và tử vong”.

Ở trong phòng chăm sóc đặc biệt, chị Hoàng Thị Thùy Minh (SN 1970, quê Đồng Nai) đang đợi đến ngày phẫu thuật ghép tủy. “Chị được chẩn đoán ung thư vú từ năm 2009. Phẫu thuật cắt bỏ một bên vú, trải qua mấy đợt xạ trị, hóa trị rồi. Hiện giờ tế bào ung thư đã di căn lên não, cột sống. Vừa rồi đọc báo, thấy thông tin về Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chữa khỏi bệnh ung thư vú nên lặn lội ra đây. Hi vọng phép màu sẽ đến với mình”.

Trăn trở

Sau khi 2 bệnh nhân ung thư vú thực hiện ghép tế bào gốc tự thân thành công và được xuất viện cũng là khi nhiều bệnh nhân trên khắp cả nước tới tấp đăng kí để nuôi hi vọng chữa khỏi căn bệnh này. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, con người ở đây lại chưa thể đáp ứng được nguyện vọng chính đáng đó.

“Hiện ở Việt Nam có 8 bệnh viện có thể thực hiện được kỹ thuật này nhưng đến thời điểm này Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là đơn vị đầu tiên và duy nhất thành công trong việc điều trị ung thư vú bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân. Ở một số nước có nền khoa học tiên tiến, kỹ thuật này đã được áp dụng tuy nhiên chi phí thực hiện các ca phẫu thuật rất đắt.

Bác sỹ Chính cùng đồng sự tư vấn cho bệnh nhân.
Nụ cười của bệnh nhân Thảo trước thời điểm được xuất viện sau khi ca phẫu thuật ghép tủy thành công.

Ở Việt Nam hiện nay, chi phí thực hiện mỗi ca phẫu thuật bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân ngoài bảo hiểm là khoảng 250-300 triệu đồng. Con số này cũng quá lớn đối với nhiều bệnh nhân khiến con đường nuôi khát vọng sống của nhiều bệnh nhân nghèo cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, hiện tại chúng tôi mới chỉ có 2 phòng phẫu thuật với đội ngũ y, bác sỹ chỉ hơn 10 người, không thể đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của hơn 50 bệnh nhân đã đăng kí”, bác sỹ Chính tâm sự.

Người bác sỹ già gỡ mục kính ra, trầm ngâm một lúc rồi nói: “Để có được kết quả như hiện tại là công sức của cả một tập thể. Tôi chỉ là người “chỉ việc” thôi. Một ca phẫu thuật thành công hay không thì công sức của đội ngũ điều dưỡng viên không phải là nhỏ. Để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, 9 điều dưỡng viên của chúng tôi phải đi bồi dưỡng nghiệp vụ 1,5 năm.

Nhưng suốt mấy năm qua, họ thực sự làm việc và cống hiến bằng cái tâm của người thầy thuốc và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ mà chưa được ký hợp đồng hay biên chế gì cả. Tôi cũng đã không dưới 1 lần đề đạt ý kiến này lên lãnh đạo tỉnh và ngành y tế nhưng vẫn chưa có kết quả. Không có chế độ giữ chân các cháu thì phải mất thời gian đào tạo từ đầu, như thế thì người thiệt thòi nhiều nhất vẫn là những bệnh nhân mắc bệnh ung thư”.

Bác sỹ Chính cùng đồng sự tư vấn cho bệnh nhân.

Từ Đồng Nai, bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Minh ra Nghệ An để đăng kí thực hiện ghép tế bào gốc tự thân khi tế bào ung thư đã di căn lên não và cột sống.

Bao giờ bác định nghỉ hưu? Tôi hỏi. Ông cười: “Bao giờ không thể làm việc được nữa thì tôi nghỉ. Giờ bệnh nhân đang cần mình, nghỉ sao được? Nhiều đồng đội tôi do di chứng của chiến tranh nên cũng mắc căn bệnh quái ác này”. Tôi hiểu người lính đã để lại một phần máu thịt ở chiến trường Tây Nguyên những năm chiến tranh chống Mỹ ấy không cho phép mình nghỉ khi còn sức khỏe và nhiệt huyết, khi đồng đội, đồng bào của mình đang phải từng ngày đối mặt với căn bệnh quái ác này.

“Khoảng tháng 3/2015 chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp chữa ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân này”, ông cho biết thêm.

Hoàng Lam